Toyota Camry. Honda Accord. Mer E240: 3 dòng xe lì đòn

Dong Xe Li On Thumbnail

“Tuổi thọ” thị trường của mỗi model xe phụ thuộc vào nhiều yếu tố, doanh số chỉ một phần thôi. Mỗi đời xe thường là 4 năm, sau mỗi 2 năm sẽ được nâng cấp giữa vòng đời. Xe có 2 đời là bình thường, 4 đời là khác thường, 8 đời là phi thường. Honda Accord đã trải qua đời xe thứ 11, hẳn nằm ngoài quy luật thông thường.

Toyota Camry: Xe sang nhà quan

Là một trong những nhà sản xuất ô tô vào Việt Nam sớm nhất từ năm 1995, không có phân khúc phổ thông nào Toyota không có mặt, và trong mỗi phân khúc, Toyota luôn biết cách định hình thị hiếu và định giá sản phẩm, xuyên suốt 20 năm đầu tiên. Mỗi tên xe đứng sau chữ “Toyota” đều có uy lực của một đức vua. Từ Toyota Crown thập niên 80; Corolla, Camry và Zace những năm 90; đến Vios, Innova, Fortuner kéo dài từ những năm 2000 đến hiện tại. Trong đó, Camry có lẽ là dòng xe đặc biệt, mang đặc quyền “bất khả xâm phạm”.

Năm 1983, Camry rời cảng Nhật Bản, lần đầu tiên xuất ngoại, điểm đến là Mỹ, miền đất hứa của không chỉ con người, mà cả ô tô. Một năm sau, Toyota Camry tiến tới bờ đông, phối hợp cùng Honda Accord mở rộng bờ tây, kiêu hãnh giương cao ngọn cờ “Xe Nhật cho người Mỹ”. Có một điều lạ lùng: người Mỹ thích xe Nhật, người Nhật không chạy xe Mỹ. 

Toyota Camry 1996
Toyota Camry 1996

Năm 1998, Camry ra mắt người dân Việt Nam, thời điểm đất nước mở cửa, con người mở lòng. Sedan hạng sang chính hãng thời đó bao gồm 4 mẫu: Mercedes E240, BMW 5, Mazda 626, Toyota Camry. Năm 2002, trong ngày ra mắt Camry thế hệ mới, Tổng giám đốc Toyota Việt Nam phát biểu ngắn gọn: “Toyota Camry là chiếc xe dành cho giới lãnh đạo”. Mọi thứ về sau đều linh ứng với lời phát biểu này. Camry lăn bánh vào cơ quan công sở, chuyên chở lãnh đạo các cấp. Camry sơn trắng gắn còi hụ, trở thành xe cảnh sát dẫn đường trong các hoạt động ngoại giao. Camry phiên bản đời thường trở thành lựa chọn số 1 của các nhà quan, những đại nhân không muốn bản thân mình quá khác biệt.

Toyota Camry trong 25 năm được gọi tên tại Việt Nam, mặc dù hình dáng cơ bản, trang bị thông thường, nhưng có nội lực cực mạnh để tiễn Ford Mondeo lên đường, đưa Mazda 626 ra đảo, cảnh báo nguy hiểm cho bất kỳ mẫu xe nào có ý định xâm phạm vùng đất cấm. Camry trong tiếng Nhật là ‘Kanmuri’, vương miện, đầy đủ ý niệm về chỗ đứng, chỗ đậu.

Mercedes E240: Biểu tượng thượng lưu

Thương hiệu ngôi sao ba cánh Mercedes-Benz thành lập năm 1926 sau khi sáp nhập hai công ty của Karl Benz Gottlieb Daimler. Tại thị trường Việt Nam tính từ năm 1996 đến hiện giờ, Mercedes luôn chiếm thị phần áp đảo trong phân khúc xe sang, lớn hơn Lexus, BMW, Audi cộng lại. Tên xe Mercedes được đặt với ký tự ABC đứng đầu, ngay sau đó là chữ Class (đẳng) như A-Class, C-Class, E-Class, G-Class, S-Class. Càng về cuối bảng chữ cái, đồng nghĩa với giá tiền và giá trị càng cao.

Mercedes E240 là phiên bản tiếp nối E230, chiếc xe sang đầu tiên được lắp ráp tại Việt Nam. Khi ra mắt năm 2003, không có gì ngạc nhiên khi E240 là chiếc xe lắp ráp trong nước có giá bán đắt nhất thời bấy giờ: 115.000 USD, đắt gấp đôi so với Toyota Camry và Ford Mondeo cùng phân khúc doanh nhân, chủ tịch. Từ kiểu dáng bề thế bên ngoài đến trang bị cao cấp bên trong, cộng thêm giá trị thương hiệu “xe Mẹc” đã được biết đến từ rất lâu, E240 hiên ngang trở thành biểu tượng của giới thượng lưu khi lăn bánh trên đường. Ngày đó, phải là một “ông chủ bự” đích thực mới đủ bản lĩnh và quyền lực ngồi sau cầm cương một con Mẹc E240-màu đen. Cũng từ đây, dân gian truyền tụng nhau câu thần chú “Nhất Mẹc, nhì Bim”. 

Những ngày đầu gầy dựng thương hiệu tại Việt Nam, Mercedes luôn gắn liền với chính khách, nghệ sĩ, doanh nhân, nhưng sự thành công tuyệt đối của Mercedes đến từ 3 yếu tố: danh mục sản phẩm đa dạng, đủ dòng, trải dài từ xe sang cảm xúc trên 1 tỷ, đến xe sang đúng nghĩa; chất lượng dịch vụ khách hàng xuất sắc; hoạt động truyền thông thương hiệu dày đặc có chiều sâu.

Dù đã sản xuất cách đây 20 năm, được làm mới qua hình ảnh E280 năm 2006, E300 AMG hiện tại, nhưng Mercedes E240 vẫn còn đó đường nét lịch lãm quý phái của biểu tượng thượng lưu một thời. Quyết tâm giữ lại như một giá trị tinh thần không thể rời bỏ, hay bán đi cho khuất mắt, có lẽ tuỳ thuộc vào quãng đường và quãng đời mà chiếc xe với bản thân ta, đã từng là một.

Honda Accord: Nửa thế kỷ, nửa Honda

Năm 1948, Soichiro Honda thành lập Honda Motor với 34 nhân viên tại Hamamatsu. Năm 1959, Honda mở văn phòng ở Mỹ, bán xe máy để làm quen thị trường. Năm 1976, Honda Accord ra mắt, model cao cấp hơn Honda Civic đã xuất hiện trước đó 4 năm. Civic được sản xuất để bán xe, trong khi Accord mang nhiệm vụ nặng nề hơn hẳn: bán brand Honda trên nước Mỹ, và toàn thế giới. Năm 1982, dây chuyền lắp ráp Accord bắt đầu vận hành ở nhà máy Honda, thành phố Marysville, bang Ohio, cũng là chiếc xe Nhật đầu tiên sản xuất tại Mỹ. 4 thập kỷ, 11 thế hệ, 20 triệu chiếc, rạng danh với mọi giải thưởng, Honda Accord trở thành tượng đài sống động trong ngành công nghiệp ô tô.

Mảng ô tô tại Việt Nam được Honda đề pa năm 2006, ghi dấu bằng thời điểm ra mắt Honda Civic, khá muộn so với các hãng xe đồng hương. Năm 2011, Honda Accord chính thức mở bán tại Việt Nam, với mức giá không hề rẻ như mọi người tưởng tượng: một tỷ bốn trăm ba mươi lăm triệu. Với mức giá này vào thời đó và thời nay (một tỷ ba trăm triệu) người dùng có hơn 10 lựa chọn khác nhau cho một chiếc ô tô từ Sedan tầm trung đến SUV của nhiều thương hiệu. Honda Accord không toả sáng về ngoại hình, không đủ đầy các trang bị tiện nghi, nhưng Accord âm thầm xâm chiếm trí não của những tay lái có nhiều trải nghiệm với ô tô, dù cầm lái hay ngồi sau. Nhắc đến Accord, nó không còn là cái tên đại diện cho một dòng xe, mà đã trở thành một nửa giá trị của Honda.

Nếu được phép ví von, Accord và Camry như Ronaldo và Messi trong bóng đá; Rafael Nadal và Novak Djokovic trong tennis. Đối thủ, nhưng không đối đầu, chỉ tình cờ sinh ra cùng một thời, bắt tay nhau tạo nên sự quyến rũ diệu kỳ trong ngành công nghiệp ô tô, khiến thế giới không ngừng say mê. Bất kỳ cuộc cạnh tranh nào đều có vẻ đẹp riêng của nó, nếu bạn biết quan sát từ đôi mắt-của trái tim.

Mời đọc thêm

Thong thả lướt nhanh