Khi tìm hiểu về hai bài kiểm tra đánh giá xe Slalom test và Moose test, chúng ta sẽ thấy những điểm khác biệt thú vị, không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn về cách thực hiện.
Slalom test: đánh võng tốc độ 50km/h
Hãy tưởng tượng bạn đang vui vẻ trong một buổi tiệc, nhiệm vụ của bạn đơn giản là lách qua đám đông để đến bàn buffet, nơi bày biện rất nhiều món ăn mình yêu thích. Đó chính là Slalom! Tên gọi “Slalom” khởi nguồn từ môn trượt tuyết. Hãy xem clip minh hoạ bên dưới.
Trong bài kiểm tra này, xe di chuyển qua một loạt các cọc đặt song song trong không gian hạn chế. Mục tiêu? Đảm bảo xe có thể lách qua mà không “vồ” vào bất kỳ cọc nào. So sánh gần gũi hơn: Hãy tưởng tượng bạn đang lái xe vào khu đèn đỏ trong con hẻm nhỏ Lê Thánh Tôn, Sài Gòn, nơi một chuỗi dài các em gáy luôn bật đèn xanh. Nhiệm vụ của bạn: lách qua, mà không chạm vào. Cũng hết sức thử thách, chứ không hề dễ dàng như người ngoài nghĩ đâu.
Moose test: đánh võng tốc độ 80km/h
Còn Moose test thì sao? Hình dung bạn đang lái xe trên cao tốc, bất chợt một chú nai ngơ ngác xuất hiện trước đầu xe. Thắng, là thua! Bạn phải tránh nó ngay lập tức! Trong bài kiểm tra này, bạn và xe thực hiện một cú đánh lái đột ngột để tránh “chướng ngại vật” mà không bị lật. Đây thực sự là bài “thẩm xe” có khả năng giữ thăng bằng và kiểm soát khi đối mặt với tình huống bất ngờ hay không.
Cảm giác: Slalom như vũ điệu vui vẻ giữa đám đông, trong khi Moose test giống cuộc chạy trốn khỏi người bạn không mời đang muốn “chào hỏi”.
Mục tiêu: Slalom test kiểm tra khả năng linh hoạt; Moose test kiểm tra độ ổn định và phản ứng của xe trong những tình huống khẩn cấp.
Cách thức: Một bên là lướt qua hàng cọc như nghệ sĩ múa ballet, bên còn lại là một cú đánh lái ôm cua ngoạn mục, như trong phim Fast & Furious.
Giờ chúng ta tìm hiểu sâu hơn về Moose test
Dù ngành ô tô đã có những bước tiến về công nghệ an toàn, Moose test vẫn là bài kiểm tra khiến mọi hãng xe ngán ngẩm, bởi khả năng lật xe, ngửa bụng rất cao. Moose test được thực hiện lần đầu tiên ở Thụy Điển từ những năm 1970. Tên gọi “Moose test” đến từ mục đích ban đầu của bài kiểm tra là thử xem xe có thể tránh những vật cản lớn, như Moose (con nai) bất ngờ xuất hiện trên đường. Hiểu đơn giản: tài xế phải “đánh võng” ở tốc độ cao, trong một tình huống hoàn toàn bị động.
Teknikens Varld Thụy Điển là đơn vị đầu tiên (không nhận tài trợ của bất kỳ hãng xe nào) nhấn mạnh tầm quan trọng của thử nghiệm Moose test, sau đó phổ biến nó ra thế giới.
Môi trường thử nghiệm
Mặt đường khô ráo, xe chở full tải (bao gồm người hoặc hành lý) để mô phỏng tình huống thực tế trong cuộc sống. Thay vì dùng vật cản kích thước lớn, họ sử dụng cọc tiêu hình chóp nón để vẽ đường hình chữ S cho xe chạy. Tài xế phải lái xe luồn lách qua dãy cọc tiêu. Mỗi cú đánh lái cách nhau 13.5m. Tổng cộng 2 lần đánh lái gấp. Sau đó về vị trí đi thẳng.
Các buổi test drive do hãng xe tổ chức thông thường là Slalom test, chạy sa hình zig-zag tốc độ tối đa 50km/h. Moose test được thực hiện ở tốc độ cao hơn, từ 80km/h. Những cú đánh lái gấp liên tục ở tốc độ 80km/h dễ khiến một bên bánh xe nhấc khỏi mặt đường, xe bốn bánh biến thành xe ba bánh, dẫn đến tình huống ngửa bụng.
Điều kiện vượt qua Moose test
– Duy trì tốc độ 80km/h trong 5 giây
– Đánh lái gấp nhưng không đụng cọc
– Có sử dụng phanh trong quá trình lái
– Lập tức quay trở lại đường thẳng
Một chiếc xe được coi là qua bài nếu hoàn thành nhiệm vụ mà không lật, trượt bánh, hoặc văng đuôi.
Trên thực tế, Moose test được thiết kế để mô phỏng một đứa trẻ bất ngờ lao ra đường (rất thường xuyên ở Việt Nam). Nếu là trâu bò (cũng thường xuyên) khả năng cao nó sẽ tiếp tục đi sang đường, thay vì đứng im hay quay lại. Xe tránh trâu bò, chứ trâu bò đâu có tránh xe. Trong 2 tình huống giả định này, tài xế cần ra quyết định phanh gấp, hoặc điều khiển xe chạy sượt qua phía sau con người hoặc con vật. Trong tích tắc 1 giây.
Moose test không được coi là bài kiểm tra đánh giá an toàn “chính hãng” bởi nó quá khó. Tuy nhiên, đội ngũ Teknikens Värld vẫn kiên trì thực hiện trên nhiều mẫu xe khác nhau, từ các hãng xe khác nhau. Kết quả có thể không được hãng xe công nhận, nhưng biết đâu, họ âm thầm thay đổi, nâng cấp qua thời gian.
Bạn cho rằng công nghệ an toàn trong ngành ô tô đã phát triển, Moose test không thể làm khó các anh kỹ sư hãng? Thực tế không đơn giản như vậy. Rất nhiều mẫu xe ra mắt năm 2024 không qua nổi bài kiểm tra khắc nghiệt dù được trang bị nhiều công nghệ an toàn.
TẠI SAO?
Các xe khác nhau trượt bài Moose test vì những lý do khác nhau, dĩ nhiên đã loại trừ yếu tố “đang tập lái” bởi các tester đều là chuyên gia lái xe trình độ cao. Dưới đây là những lý do phổ biến được Teknikens Värld tổng hợp sau nhiều năm kiên trì thử nghiệm:
– Khung gầm cao, khoảng cách giữa hai bánh xe hẹp. Xe có khung gầm cao như SUV và bán tải, dễ bị lật nhất vì đột ngột mất trọng tâm.
– Hệ thống chống bó cứng phanh ABS hoạt động không hiệu quả. Nếu hệ thống phanh quá cứng khiến xe khó quay trở lại đường thẳng ngay.
– Lốp sau và hệ thống phanh phối hợp kém ăn ý. Lốp sau sẽ bị trượt, phải phanh (thắng) một đoạn dài hơn xe mới dừng lại hẳn.
– Chủng loại hệ thống treo trên xe. Ba hệ thống treo phổ biến: MacPherson, tay đòn kép (Double Wishbone), đa liên kết (Multi-Link).
Các bại tướng dưới tay Moose test theo thử nghiệm của Teknikens Värld không chừa một hãng xe nào, từ xe cỏ đến xe sang, từ sedan đến SUV, nhưng thôi, không nên liệt kê chi tiết, mất vui. Thay vào đó, hãy xem Land Cruiser trình diễn, để không hổ danh chúa tể off-road trên mọi cung đường khắc nghiệt. Từ Nam Phi đến Cali và Chợ Lớn.
Các hãng xe có thể bao biện lý do xe gầm cao được thiết kế chạy đa địa hình, off-road, không phù hợp với bài thử nghiệm. Nhưng trên thực tế, tất cả xe đều cần đảm bảo khả năng chống lật tương đối khi ôm cua gấp (không cần phải chống lật tuyệt đối như trên xe đua F1) để xử lý tình huống người đi bộ bất ngờ sang đường.
Kỷ lục mới nhất vượt qua bài Moose test thuộc về Porsche 718 Cayman, nhưng kỷ lục đáng nhớ nhất đến từ một chiếc xe cỏ. Đó là ông già Citroën Xantia Activa xác lập năm 1999. Chiếc xe gia đình giản dị đã vượt qua bài Moose test ở tốc độ 85km/h, duy trì kỷ lục trong 25 năm, trước khi Porsche 718 Cayman phá vỡ. Trong bất kỳ game nào, dù là game đời, mọi kỷ lục được lập ra để phá vỡ.
Công nghệ EPS duy trì sự ổn định
Để giúp xe giữ cân bằng, duy trì ổn định trước các tình huống giao thông đột biến như Slalom test và Moose test, các kỹ sư đắp lên xe rất nhiều công nghệ, trong đó có EPS. Hệ thống cân bằng điện tử (EPS – Electronic Stability Program) là công nghệ an toàn quan trọng trên ô tô (hầu hết các xe ngày nay đều có) giúp cải thiện khả năng kiểm soát và ổn định xe.
Nguyên lý hoạt động của EPS
Cảm biến và dữ liệu. EPS sử dụng nhiều cảm biến để thu thập thông tin về tình trạng vận hành của xe, bao gồm:
- Cảm biến tốc độ bánh xe: Đo tốc độ quay của từng bánh xe để xác định độ trượt.
- Cảm biến góc lái: Theo dõi góc đánh lái của vô lăng.
- Cảm biến gia tốc: Đo lường gia tốc theo các phương khác nhau.
- Cảm biến quay vòng: Xác định hướng di chuyển của xe.
Phân tích và can thiệp. Thông tin từ các cảm biến được gửi đến bộ điều khiển trung tâm (ECU). ECU sẽ phân tích dữ liệu để phát hiện dấu hiệu mất ổn định, như khi xe có xu hướng trượt hoặc lật. Khi nhận thấy nguy cơ, EPS tự động can thiệp bằng cách:
- Tác động lực phanh: EPS có thể áp dụng phanh độc lập lên từng bánh xe để điều chỉnh hướng di chuyển và giữ cho xe ổn định.
- Điều chỉnh mô-men xoắn động cơ: Hệ thống cũng có thể giảm mô-men xoắn từ động cơ đến các bánh xe để giảm tốc độ, cải thiện độ bám đường.
Tích hợp với các hệ thống khác
EPS hoạt động độc lập, hoặc kết hợp song song với ADAD (Advanced Driver Assistance Systems) bao gồm nhiều tính năng hỗ trợ lái xe. Chức năng ADAS của mỗi hãng, mỗi xe có sự khác nhau về công nghệ, hiệu quả, khả năng đọc hiểu hành vi lái xe của mỗi người. Cùng một hãng, nhưng giá trị ADAS của xe cỏ và xe sang khác nhau rất xa. Hoa hậu Liên Lục Địa làm sao so được với Hoa hậu Việt Nam!
Bất kỳ mẫu xe nào dù đạt điểm Slalom test hay Moose test cao ngất ngưởng, sự an toàn vẫn phụ thuộc phần lớn vào khả năng làm chủ tay lái. Khung gầm sắt thép, trang bị an toàn tinh vi, hệ thống hỗ trợ lái xe thông minh đều trở nên vô nghĩa, nếu chúng ta không biết nâng niu sự sống.
Nơi của chiếc xe là con đường. Nơi của vết thương là quá khứ. Chúc bạn lái xe an toàn.