Trong vũ trụ bán tải, mỗi thị trường khác nhau đều mang một sắc thái riêng biệt. Ở Việt Nam bán tải là bậc thầy hóa trang tài ba; với Thái Lan nó là người vận chuyển phiên bản nâng cấp; đến Philippines bán tải hóa thân thành phượt thủ bất chấp mọi địa hình.
Việt Nam: Bậc thầy hóa trang
Chiếc xe bán tải sản xuất hàng loạt đầu tiên tại Mỹ vào năm 1917 là dòng xe chuyên dụng cho mục đích kéo nặng, tải hàng cồng kềnh và di chuyển trên địa hình gập ghềnh. Ngày nay, những chiếc bán tải đã được nâng cấp, trở thành biểu tượng của phong cách tự do, phóng khoáng. Không nằm ngoài thị hiếu, năm 2023 Việt Nam tiêu thụ hơn 20.000 chiếc, trong đó Vua bán tải Ford Ranger chiếm 80% thị phần, nối đuôi theo sau lần lượt là Mitsubishi Triton, Mazda BT-50, Isuzu D-Max, Toyota Hilux, Nissan Navara.
Khác với vai trò người vận chuyển như đa số các quốc gia, bán tải Việt Nam là bậc thầy hóa trang. Ẩn dưới biệt tài chở hàng, bán tải khoác lên chiếc áo thời thượng, điểm phấn tô son thành chiếc xe thể hiện phong cách sống. Người Việt có xu hướng mua xe bán tải không phải để chở hàng mà chở phía sau niềm đam mê, phía trước là cung đường nghịch bùn. Những chiếc xe bán tải thể thao đa dụng gầm cao (nếu gắn thêm phụ kiện) càng làm nổi bật cá tính cool ngầu của chiếc xe và chủ xe. Đối với các tay chơi Offroad, bán tải là sự lựa chọn tuyệt vời bởi giá phụ kiện rẻ, đồ chơi nhiều, động cơ mạnh, tiện nghi như SUV. Và không một ai mê xe có thể ngó lơ khi đứng trước một chiếc Ford Raptor được đắp phụ kiện đúng chuẩn.
Thái Lan: Người vận chuyển
Nếu xe máy là phương tiện di chuyển phổ biến của mọi gia đình Việt từ thành thị đến nông thôn, tại Thái Lan mẫu xe bán tải quốc dân cũng đóng vai trò tương tự. Là “Người vận chuyển” chuyên chở hàng hóa bất kể loại gì, đến bất cứ nơi nào khách hàng yêu cầu. Ngược dòng quá khứ về năm 1960, khi chính phủ Thái Lan ban hành chính sách thay thế nhập khẩu nhằm thúc đẩy ngành ô tô nội địa, ông lớn Toyota bắt tay vào sản xuất mẫu bán tải đầu tiên tại Samut Prakan, mở ra thành công rực rỡ của dòng xe này tại xứ sở chùa Vàng. Theo thời gian, thị trường xe bán tải ở Thái Lan tiếp tục phát triển, tác động kép đến vận hành kinh tế cũng như văn hóa quốc gia.
Văn hóa Thái đề cao tính thực dụng, thiết kế và cấu hình xe bán tải có rất nhiều biến thể, từ cabin đơn rộng rãi chở hàng, hay cabin kép vừa chở người vừa chở hàng. Các dòng bán tải sở hữu khả năng vận hành mạnh mẽ, chống chọi rất tốt với thời tiết và địa hình đa dạng của Thái Lan. Hai mẫu Isuzu D-Max và Toyota Hilux thay nhau độc chiếm bảng xếp hạng nhờ rẻ, bền, dễ bảo dưỡng. Thêm vào đó, chính sách thuế ưu đãi cho xe bán tải tại Thái cũng góp phần không nhỏ thúc đẩy doanh số bán hàng của dòng xe này.
Philippines: Phượt thủ cừ khôi
Biết đến với tên gọi Xứ sở vạn đảo, thừa hưởng những đặc quyền thiên nhiên ban tặng, Philippines lại nằm trên vành đai núi lửa Thái Bình Dương, gần đường xích đạo. Thường xuyên bị ảnh hưởng bởi các trận động đất và bão nhiệt đới, quốc đảo này sở hữu địa hình đa dạng, có thể nói là “khó xơi”, từ con đường đầy nắng gập ghềnh của thành phố Manila đến những ngọn đồi trùng điệp nối tiếp trên khắp đất nước, Philippines kén chọn sedan nhưng lại dọn đường cho các dòng xe bán tải.
Philippines có thế mạnh về du lịch khi sở hữu hơn 7 nghìn hòn đảo lớn nhỏ, qua đó gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương. Với đặc tính xe chuyên chở nặng, khả năng di chuyển linh hoạt trên cả đường bằng phẳng và gập ghềnh, xe bán tải vừa tiện vừa lợi đủ đường. Thùng xe rộng rãi cung cấp khả năng chứa đựng tốt hơn, hỗ trợ vận chuyển nhiều loại hàng hóa cùng lúc. Giống với hầu hết thị trường Đông Nam Á, tại Philippines các anh hào bán tải đều đã điểm danh: Toyota Hilux, Isuzu D-Max, Nissan Navara, Ford Ranger, Chevrolet Colorado và Mitsubishi Strada. Trong đó, Toyota Hilux liên tục dẫn đầu doanh số nhiều năm liên tiếp.
Có thể nói, những phượt thủ bán tải Philippines đã chứng minh sức hút bền vững với các kỹ năng băng đèo lội suối kinh ngạc, sinh ra như để đo ni đóng giày cho những trận địa thách thức.