Trên chặng đường hơn 100 năm phát triển của ngành công nghiệp ô tô, các nhà thiết kế xe hơi không chỉ tạo nên những chiếc xe muôn hình vạn trạng, bốn bánh chuyển động trên đường phố mà xe hơi đã đi vào điện ảnh, thơ ca, âm nhạc, viện bảo tàng, trở thành biểu tượng văn hoá đại chúng, có sức ảnh hưởng toàn cầu.
Ferdinand Porsche: công nhân, kỹ sư, nhà thiết kế ô tô
Năm 1900, anh công nhân Ferdinand mày mò và sáng chế ra chiếc xe đầu tiên, đặt tên Lohner-Porsche. Chiếc xe trở thành hiện tượng tại Triển lãm ô tô Paris nhờ kỹ thuật dấu kín động cơ dưới trục bánh xe, ghi dấu tên tuổi Ferdinand Porsche khi ông tròn 25.
“Ban đầu, tôi quan sát khắp nơi nhưng không thể tìm thấy chiếc xe mình mơ ước nên quyết định tự tạo ra nó”. Từ câu nói trên, ông bắt đầu gầy dựng hãng xe Porsche vào năm 1931 để hiện thực ước mơ của mình, qua đó thoả mãn luôn ước mơ của hàng tỷ người khác trong 100 năm tiếp theo.
Năm 1938, một năm trước thế chiến thứ 2, đang cặm cụi tra dầu cho mẫu xe chưa đặt tên, Ferdinand được “Chủ tịch” Adolf Hitler mời đến phòng làm việc, yêu cầu thiết kế một chiếc xe tiết kiệm xăng cho người dân Đức. Vâng, tuân lệnh! Volkswagen Beetle (Xe con bọ) sản xuất năm 1945 (sau khi chiến tranh kết thúc) trở thành biểu tượng văn hoá toàn cầu. Ferry, người con trai kế nghiệp ông đã đưa Porsche 911 trở thành chiếc xe thể thao đường phố được nhận diện và khao khát nhất thế giới. Chỉ có Porsche, Porsche 911 mới làm được điều này.
Peter Schreyer: Audi, Volkswagen, Kia, Hyundai
- 1953: Born in Deutschland
- 1980: Joined Audi, Volkswagen
- 2006: Chief Design Officer of Kia
- 2013: President of Hyundai, Kia Design Centre
Sau 25 năm làm việc tại Audi và Volkswagen, một ngày kia, Peter nhận cuộc gọi định mệnh từ số lạ, nhanh chóng quyết định bay qua Seoul, đảm nhận vị trí Chief Design Officer của Kia. “Làm việc tại Hàn Quốc là một trải nghiệm đáng giá. Trong thời gian ở đây, tôi đã học được nhiều điều về bản thân, về nguồn cội, về những con người mình may mắn gặp gỡ, về mối quan hệ đặc biệt giữa Hàn Quốc và Đức. Cách mọi thứ liên kết (và đối lập) luôn truyền cảm hứng cho tôi với tư cách một nhà thiết kế”. Peter Schreyer.
Một số mẫu xe đại diện cho dấu bút, tư duy và sáng tạo của Peter Schreyer trong ngành công nghiệp thiết kế ô tô đậm đặc màu sắc.
- Volkswagen Golf IV: 1997
- Volkswagen New Beetle: 1998
- Audi TT: 1998
- Kia Optima: 2000
- Hyundai Tucson: 2004
- Hyundai Nexo: 2018
Jean Bugatti: nghệ sĩ thiên tài định hình Bugatti
Lớn lên trong gia đình nghệ sĩ có tầm nhìn, Jean Bugatti, người con trai cả của Ettore Bugatti, thừa hưởng tất cả những yếu tố trở thành một kĩ sư thiên tài. “Tác phẩm của Jean không chỉ phi thường mà còn siêu thực, như đến từ một thế giới khác”, Christophe Piochon, Chủ tịch Bugatti Automobiles nhận xét.
Khi còn rất trẻ, Jean táo bạo nâng tầm mẫu Type 41 Royale do cha giới thiệu năm 1926, thiết kế mẫu xe Type 41 Royale Roadster Esders – chiếc xe mui trần hai chỗ thanh lịch. Không chỉ khởi đầu cho hành trình thiết kế, Jean mở ra kỷ nguyên Jean Bugatti. Năm 1936, khi 27 tuổi, ông nắm quyền điều hành công ty. Sự tự tin của tuổi trẻ được vun đắp từ dòng máu gia đình nghệ sĩ đã đưa Jean đến vùng đất sáng tạo bất tận. Type 57 SC Atlantic – một trong những chiếc xe đắt nhất mọi thời đại, đặt nền móng cho phong cách Art Deco – phong trào thiết kế tiên phong của Pháp lúc bấy giờ.
Jean, người chỉ sống đúng 30 năm (Jean qua đời trong một tai nạn thử xe khi 30 tuổi) nhưng đã chứng minh tài năng đỉnh cao khó ai sánh kịp qua những cống hiến nền tảng cho Bugatti, qua đó định hình phong cách quý tộc độc đáo của thương hiệu tới tận ngày nay.
Frank Stephenson: Ford, BMW, Ferrari, Fiat, McLaren
- 1959: Born in Morocco
- 1986: Joined Ford
- 1991: Chief Designer of BMW
- 2002: Director of Ferrari-Maserati
- 2006: Head of Fiat, Lancia
- 2008: Design Director at McLaren
- 2018: Frank Stephenson Design Studio
Gác lại 6 năm thi đấu chuyên nghiệp bộ môn mô tô địa hình, tình yêu xe hơi chớm nở từ những bức vẽ nguệch ngoạc ngày bé dẫn lối Frank Stephenson đến sự nghiệp thiết kế xe hơi. Sau 2 năm trên giảng đường, người của Ford bất ngờ xuất hiện với lời đề nghị hấp dẫn: tài trợ toàn bộ chương trình học nếu Frank đồng ý gia nhập Ford sau khi tốt nghiệp.
Khi những năm tháng tại Ford khởi sinh cho mẫu xe huyền thoại Ford Escort RS Cosworth kết thúc, hành trình dấn thân của Frank Stephenson tiếp tục lật sang trang mới, mỗi cột mốc đều để lại dấu ấn thành công rực rỡ. Từ hiện đại hoá phiên bản gốc, nhưng đồng thời giữ nguyên sức hút của mẫu xe đô thị đậm chất Ý “yêu từ cái nhìn đầu tiên” Fiat 500, đến siêu xe thể thao McLaren 570S có khả năng “chuyển động ngay cả khi đứng yên”, Frank đều thổi vào đó đúng một quy trình sáng tạo mà anh yêu thích: phác thảo, tô màu, tạo hình đất sét, và cuối cùng hoàn thiện.
Motor Trend gọi Frank là “một trong những nhà thiết kế ô tô có ảnh hưởng nhất thời đại”. Thiết kế của Frank làm thay đổi cách thế giới nhìn nhận về ô tô, tiêu biểu qua các mẫu xe:
- MINI Cooper: 2001
- Maserati MC12: 2004
- Ferrari FXX: 2005
- Fiat 500: 2007
- McLaren P1: 2013
- McLaren 570S: 2015
Shiro Nakamura: nhạc công, nhà thiết kế ô tô
Sinh ra tại Nhật Bản năm 1950, Shiro Nakamura lớn lên cùng hai niềm đam mê bất diệt: nhạc jazz và những chiếc ô tô. Mang biệt danh “Fingers”, đôi tay tài hoa của Nakamura nhảy múa trên cây đàn contrabass, đồng thời điểm tô mãnh liệt trong lĩnh vực thiết kế xe qua những chất liệu, hình khối, đường cong tạo nên xúc cảm, khát khao, dữ dội.
Nakamura bắt đầu hành trình của mình tại Đại học Nghệ thuật Musashino, Tokyo, nơi ông học cách biến những bản phác thảo thành hiện thực. Nhật Bản không đủ lớn để giữ chân một tâm hồn đầy khát vọng, Nakamura chọn Hoa Kỳ là điểm đặt chân tiếp theo. Từ Isuzu đến GM, cuối cùng là Nissan, Nakamura để lại dấu ấn đậm nét qua những chiếc xe làm say đắm mọi tín đồ: Nissan Fairlady Z – yểu điệu thục nữ; Nissan Juke – cá tính khác biệt; Nissan Leaf – tiên phong trong làn sóng xe điện. Đặc biệt, Nissan GT-R – biểu tượng của tốc độ.
Sau 50 năm tìm kiếm chính mình trong lĩnh vực thiết kế ô tô, Shiro Nakamura được trao giải Design Lifetime Achievement Award. Quyết định rời ngành nghỉ hưu ở tuổi 67, Nakamura để lại hàng loạt những dấu ấn bốn bánh vẫn đang xoay tròn với thời gian.
SangYup Lee: General Motors, VW/Audi, Hyundai
- 1969: Born in Seoul
- 1999: Joined General Motors
- 2010: Joined VW/Audi
- 2016: Hyundai Global Design Head
Trở về Hàn Quốc sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài, Lee gia nhập Hyundai, đảm nhận trách nhiệm thiết kế một loạt các dòng xe từ Genesis hạng sang đến các mẫu Hyundai phổ thông cho thị trường thế giới. Năm 2022, “Chiếc xe điện của năm tại Mỹ”, “Chiếc xe năng lượng của năm tại Đức”, “Chiếc xe điện thiết kế đẹp nhất UK” lần lượt trao cho IONIQ 5.
- Chevrolet Camaro: 2006
- Continental GT: 2011
- Bentley Flying Spur: 2013
- Genesis GV70: 2017
- Hyundai Sonata: 2019
- Hyundai IONIQ 5: 2021
“Thiết kế xuất sắc không phải là chiếc xe lộng lẫy tại triển lãm, mà là mẫu xe hòa quyện với cảnh quan trong 5-10 năm, và vẫn đẹp khi lăn bánh trên đường phố”, Lee SangYup chia sẻ ý niệm thiết kế trong một lần phỏng vấn. Tin vào triết lý “Dù là thương hiệu cao cấp hay phổ thông, tất cả đều nên có cội rễ thiết kế riêng biệt”, SangYup Lee “World Car Person of the Year 2023” hiện đang dẫn dắt các dự án thiết kế từ Genesis đến Hyundai. Mỗi chiếc xe dù hiện hữu trên concept car hay winning car đều thể hiện trọn vẹn dấu ấn tài hoa, thấm nhuần bản sắc văn hóa Hàn Quốc, như chính con người ông.
Ian Callum: Jaguar, Ford, Aston Martin, Volvo
Năm 1968, Ian Callum 14 tuổi, đã làm điều không mấy ai dám: thiết kế một chiếc xe Jaguar của riêng mình và gửi nó đến tận tay William Heynes – kỹ sư trưởng Jaguar để tìm cơ hội. Đáp lại sự táo bạo của cậu bé là bức thư hồi âm động viên, khởi đầu cho hành trình thiết kế kéo dài hơn nửa thế kỷ của Callum.
Sinh ra tại Scotland, Callum mang trong mình tình yêu bất tận với đường cong mê hoặc của những chiếc xe. Sau khi tốt nghiệp, ông bắt đầu sự nghiệp thiết kế với Ford, chuyển sang Aston Martin và TWR (studio thiết kế động cơ, không phải hãng xe). Tại đây, ông vẽ nên biểu tượng Aston Martin DB7, một trong những mẫu bán chạy nhất của hãng xe Anh Quốc trong lịch sử. Tuy nhiên, dấu ấn rực rỡ nhất của Callum không thể chọn mẫu xe nào khác ngoài Aston Martin Vanquish, đưa thương hiệu vào thời kỳ đỉnh cao danh tiếng.
Năm 1999, Callum gia nhập Jaguar với vai trò Giám đốc Thiết kế. Từ Jaguar XK coupe, XF sedan đến mẫu xe điện I-Pace mới nhất – chiến thắng World Car of the Year 2019, giải thưởng cuối cùng trong ngành trước khi Ian Callum quyết định về vườn để được cùng lúc chăm sóc xe, chăm sóc cây. Ian Callum bằng tinh thần quyết liệt tận cùng đã hiện thực giấc mơ hoang đường của cậu bé Scotland 14 tuổi đam mê ô tô năm nào.
Pelle Petterson: một mẫu trong đời, dời non lấp biển
Sau chuyến tham quan hãng xe GM Hoa Kỳ năm 1953, Assar Gabrielsson khi đó là Phó chủ tịch Volvo nhận ra các ngôi sao Hollywood rất thích xe thể thao Châu Âu của Anh, Đức và Italy. Ngay khi về nước, ông lập tức lên dự án sản xuất xe thể thao đầu tiên của Volvo. Helmer Petterson, cố vấn cấp cao được giao nhiệm vụ săn tìm các nhà thiết kế, với yêu cầu đặt ra: chiếc xe mang phong cách Italy, thực hiện bởi Italian designer.
5 bản vẽ được gửi đến, mẫu cuối cùng được chủ tịch chọn sản xuất do Pelle Petterson, chàng trai 25 tuổi người Thuỵ Điển thiết kế. Sau khi ra mắt, Volvo P1800 (bao gồm nhiều phiên bản từ sedan đến couple) bất ngờ nổi tiếng khắp thế giới khi diễn viên Roger Moore cầm lái trong loạt phim truyền hình “The Saint” công chiếu năm 1962.
Khi phát hiện designer là Pelle Petterson người Thuỵ Điển, chủ tịch Volvo tức giận, cho rằng mình bị lừa dối, tuyên bố Pelle sẽ không bao giờ được công nhận là nhà thiết kế Volvo P1800. Mãi đến năm 2009, vai trò thiết kế của Pelle mới được công khai thừa nhận. Nửa thế kỷ ẩn mình lộng lẫy, Pelle Petterson vẫn cảm thấy hạnh phúc vừa đủ, rất Lagom khi rời ngành ô tô, chuyển sang say mê thiết kế tàu thuyền, chân vịt, thực hiện đam mê lướt sóng.
Khi biết tin Roger Moore qua đời năm 2017, Pelle Petterson đã gửi lời tri ân đến người bạn diễn viên của mình qua đoạn clip bên dưới. Đời là chặng đua, thua là chặng nghỉ.
Ông già Thuỵ Điển nói chuyện quá hay!