Sự tăng tốc thần kỳ của ngành ô tô Nhật dựa trên rất nhiều yếu tố, có thể tóm gọn trong 3 yếu tố chính. Thứ nhất, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu công nghệ. Động cơ Hybrid do Toyota dẫn đầu là một ví dụ. Thứ hai, phát triển công nghiệp phụ trợ song song với sản xuất ô tô. Các hãng xe chỉ giữ vai trò thiết kế, lắp ráp, và bán hàng, hơn 90% phụ tùng được liên kết sản xuất bởi những nhà xưởng quy mô SME. Thứ ba, quy trình vận hành sản xuất, lắp ráp đã ở trình thượng thừa.
Rất mạnh về xe động cơ đốt trong, nhưng Nhật chậm chạp (hay thận trọng) về công nghệ xe điện. Đến thời điểm hiện tại, Nhật chỉ có một mẫu xe điện Leaf của Nissan có khả năng gây sóng gió, tất cả còn lại chỉ đang trong phòng thí nghiệm. Mời bạn đọc Suốt ngày xe tạm rời tay khỏi vô lăng để tiếp nối phần 1.
Honda: 1948
Năm 1948, Soichiro Honda thành lập Honda Motor với 34 nhân viên tại Hamamatsu. Năm 1959, Honda mở văn phòng ở Mỹ, chủ yếu bán xe máy. Honda S500 thể thao 2 cửa là mẫu ô tô đầu tiên do Honda sản xuất năm 1963.
Nói về xe máy, Honda bá chủ toàn cầu, nhưng ô tô là câu chuyện khác. Là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, dấu ấn của Honda trong ngành gần như chỉ nằm trong 3 mẫu xe: Honda CR-V, Honda Civic và Honda Accord, riêng Honda Accord là dòng xe nổi tiếng nhất, nhiều phiên bản nhất, bán chạy nhất của Honda trên quy mô toàn thế giới kể từ thời điểm ra mắt năm 1976. Honda ô tô chỉ bắt đầu hoạt động tại Việt Nam vào năm 2006, muộn hơn 10 năm so với các hãng xe Nhật khác. “Trong tất cả những việc ta làm, thành công chỉ chiếm 1%, còn lại là thất bại.” – Soichiro Honda.
Subaru: 1953
Năm 1953, Subaru được thành lập dựa trên sự phân bổ nguồn lực của chính phủ Nhật Bản sau chiến tranh, với tên ban đầu là Fuji Heavy Industries. (Năm 2017, Fuji Heavy Industries chính thức đổi tên thành Subaru Corp, một tập đoàn đa ngành, trong đó có ô tô). Năm 1968, Subaru giới thiệu mẫu xe Subaru 360 đầu tiên của mình.
Trong suốt chiều dài lịch sử, Subaru sản xuất khoảng 20 mẫu xe, đa phần kiểu dáng cơ bản, phân khúc phổ thông. Vào thị trường Việt Nam khá lâu, nhưng Subaru chưa đủ mạnh về cả thương hiệu, sản phẩm và giá bán để tạo nét trước các hãng xe Nhật đồng hương. Có thể người Việt mong muốn nhiều hơn những gì Subaru tự hào về công nghệ vận hành và hỗ trợ người lái: động cơ Boxer, mắt thần EyeSight, dẫn động bốn bánh.
Mitsubishi: 1970
Tên gọi Mitsubishi bắt đầu từ rất lâu, tận năm 1870 trong lĩnh vực thương mại vận chuyển. Từ năm 1917 đến 1969, Mitsubishi sản xuất nhiều model xe, đặt tên chung là Colt (nguyên mẫu của dòng Mirage ngày nay). Năm 1970, bộ phận ô tô được tách riêng, phát triển độc lập với Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi. Năm 1973, Mitsubishi ra mắt phiên bản đầu tiên của dòng Lancer.
Là một trong những hãng xe nước ngoài vào Việt Nam sớm nhất, với rất nhiều model huyền thoại như Mitsubishi Pajero, Mitsubishi Jolie thập niên 90; Grandis năm 2005; nhưng mãi đến khi Xpander xuất hiện vào ngày 08/08/2018, Mitsubishi mới thực sự làm nên chuyện trong mảng xe tại Việt Nam.
Acura: 1986
Sau hàng trăm lần họp kín, nhà sáng lập Honda và các kỹ sư quyết định thành lập thương hiệu xe sang đầu tiên của Nhật tại thị trường Bắc Mỹ vào mùa xuân năm 1986. Điểm đặc biệt là trước khi bán xe, quý ngài Honda đã lập nên đường đua Suzuka cho Acura trình diễn. Một ý tưởng thiên tài. Hai model đầu tiên khi đó được đặt tên Integra và Legend, đến năm 1989, tên Acura chính thức được sử dụng.
Năm 1990, Acura giới thiệu mẫu xe NSX, tạo nên cơn bão trong làng tốc độ. (Thời điểm 2023, nếu siêu xe Acura NSX nhập về Việt Nam, giá lăn bánh không dưới 15 tỷ). Tầm nhìn của Acura đến năm 2036 vẫn không có gì khác so với ngày đầu khởi nghiệp cách đó nửa thế kỷ: mỗi chiếc xe là màn trình diễn đỉnh cao.
Lexus: 1989
Năm 1989, khi chiếc LS400 xuất hiện tại triển lãm ô tô Detroit, có lẽ không nhiều người (ngay cả ông chủ Toyota) nghĩ rằng Lexus sẽ trở thành một trong những thương hiệu xe sang hàng đầu như hiện nay. Sau khi chinh phục thành công thị trường Mỹ, năm 2005 Lexus trở lại quê nhà Nhật Bản, và mở rộng ra toàn cầu.
Vào Việt Nam năm 2013, Lexus không mất nhiều thời gian để người dùng trở nên quen thuộc với thương hiệu. Chiến thắng vô số giải thưởng trong ngành ô tô trên thế giới cho các dòng xe LS, ES, RX, nhưng chiến thắng vẻ vang nhất của Lexus chính là định vào tim, ghim vào đầu thành công thương hiệu xe sang. Trong chương kế tiếp của mình (tại Việt Nam) Lexus đang tích cực đổi mới để tiến gần vào phân khúc khách hàng độ tuổi 35, độ tuổi bốn cỗ xe Đức Porsche, Audi, BMW, Mercedes đang nắm trong tay rất nhiều thuốc để chuốc say người mua xe.
Infiniti: 1989
Thập niên 80, nhận thấy mức sống của người dân Bắc Mỹ tăng cao, Honda có Acura, Toyota có Lexus, vì lẽ này, Nissan không thể đứng nhìn 2 đồng hương tung hoành ngang dọc trên đất Mỹ, đã dựng lên Infiniti dựa trên khung gầm Nissan với thiết kế và định vị cao cấp hơn hẳn. Model đầu tiên Infiniti Q45 ra mắt năm 1989, nhưng không thành công. Những năm tiếp theo, Infiniti làm mới hoàn toàn các mẫu xe để thoát khỏi cái bóng Nissan, bao gồm khung gầm khác biệt, động cơ khác biệt, thay đổi luôn cả cách đặt tên xe. Các ký tự rối rắm G, M, EX, JX quy về duy nhất một tiền tố Q cho tất cả các dòng. Chữ Q dễ đọc, dễ nhớ, và gợi nhắc về mẫu xe Q45 lần đầu ra mắt. Infiniti vào Việt Nam năm 2014, rút năm 2021, sau 7 năm tì tạch. Cũng phải thôi, trên thị trường thế giới, hồi chuông cho số phận Infiniti đã bắt đầu rung.