“Không ngừng sáng tạo thì sẽ không sợ bị diệt vong” là một trong những di ngôn để lại cho đời của Henry Ford. Sau khi anh bạn đồng hương Chevrolet rút, Ford là hãng xe Mỹ duy nhất trong phân khúc phổ thông một mình chống mafia tại thị trường ô tô Việt Nam. Trong gần 3 thập kỷ phục vụ người Việt xuyên suốt từ năm 1995, nhắc đến Ford, hẳn có nhiều mẫu xe để nhớ…
Ford Laser: Tia sáng Mỹ trong lòng Việt
Trước khi Ford Laser xuất hiện năm 1999 (phiên bản đầu tiên tại Việt Nam, cũng là cuối cùng trên toàn cầu), 2 mẫu xe Hàn giá rẻ Daewoo Lanos và Kia Pride, đã lăn bánh mọi cung đường vài năm; Corolla và Camry của ông hoàng Toyota đã in đậm dấu ấn; Mazda 323 đang ăn nên làm ra. Để phá vỡ thế lực song đấu Hàn – Nhật, Ford Laser ra đời như một tia sáng, thắp lên ước mơ về chiếc Sedan kiểu Mỹ trong lòng người Việt.
Nhưng không. Ford Laser là chiếc xe Mỹ lai Nhật. Khung gầm, động cơ, kiểu dáng chia sẻ với Mazda 323 (hai hãng xe có quan hệ hợp tác chân chính với nhau). Nội thất bên trong và các chi tiết phụ mang đường nét Ford nhiều hơn. Ra mắt phiên bản máy xăng 1.6 năm 1999, sau đó tăng tốc lên 1.8 năm 2002, các trang bị và tiện nghi không khác nhiều, Ford Laser đã bắn xuyên tâm người Việt với gần 6.000 xe bán ra trong 6 năm (trước khi được thay thế bởi Ford Focus năm 2005). Trung bình 1.000 xe/năm, một con số tương đối đẹp với bất kỳ mẫu xe nào thời đó.
Nếu có tìm hiểu chút chút về xe, bạn sẽ thấy 90% các mẫu sedan đầu những năm 2000 tại Việt Nam đều có thiết kế tương tự nhau, chỉ khác một vài chi tiết bên ngoài. Mazda 323, Ford Laser, Toyota Corolla, Mitsubishi Lancer. Lý do là gì? Việt Nam khi đó là thị trường mới, các mẫu xe được lắp ráp tại Việt Nam đa phần là đời cũ trên thế giới, đã ra mắt trước đó 10 đến 20 năm. Và Việt Nam còn nghèo, tâm lý bỏ ra 25.000 – 30.000 USD mua một con xe là cả gia tài, cả một sự đánh đổi, không ai dám mua xe độc lạ Bình Dương để trải nghiệm, chọn xe nào chắc xe đó.
Thuận (Việt Nam): Mình chạy Ford Laser đời 2002. Vẻ đẹp điềm đạm, vừa lanh, vừa lành. Sau này phát sinh như cầu đi tỉnh nhiều, đổi sang Ford Escape năm 2005. Con xe cũng như con người: có chăm mới chắc, có sắc mới bền.
Cheng (Taiwan): Ford Laser là xe đầu tiên mình mua sau khi cưới vợ. Cảm nhận con xe có nhiều nét giống con vợ: đằm thắm, cảm giác lái tốt dù trời nắng hay đêm mưa. Điểm chưa thích là không đủ rộng, khi em bé thứ hai ra đời.
Ford Escape: 5 chỗ, khổ vì ngốn xăng
Trước năm 2000, Sedan là kiểu xe thông dụng nhất Việt Nam (không như hiện tại là SUV), phân khúc 7 chỗ (tạm gọi MPV) chỉ xoay quanh 2 mẫu xe hiền hoà Toyota Zace và Mitsubishi Jolie, SUV có Mitsubishi Pajero, Suzuki Vitara và vài con vuông vức, cục mịch của Mekong Auto. Người Việt đang mòn mỏi đợi chờ một chiếc xe khác biệt. Ford Escape ập đến Việt Nam năm 2001 như một cơn bão bất ngờ, cùng thời điểm trên thế giới (một điều hiếm hoi, vì các mẫu xe lắp ráp tại Việt Nam thời đó đều thuộc dạng cận date vòng đời). Một chiếc Crossover (hay SUV cỡ trung cũng được luôn) 5 chỗ đậm chất Mỹ, lực lưỡng, đầm chắc, mạnh mẽ, máy 3.0, dẫn động 2 cầu. Đối thủ của Escape thời đó không ai khác ngoài chính nó với 2 phiên bản: 2 cầu 4WD và 2 cầu trước 2WD.
Kể từ khi ra mắt, Ford Escape 36.800 USD liên tục cháy hàng. Đỉnh nhất phân khúc là Land Cruiser dành cho đại gia có khả năng chi trả mạnh tay. Lựa chọn duy nhất còn lại cho tiểu gia khi muốn mua một con xe “mạnh như súng, đúng như vợ” là Escape. Rất nhiều, rất nhiều điểm mạnh có trên Escape. Chỉ một điểm yếu: ngốn xăng.
Những người yêu thích Ford Escape cho rằng do lỗi định mệnh, nhưng Ford không tin vào tâm linh, cho rằng lỗi hộp số, nên đã điều chỉnh, sau đó ra mắt phiên bản động cơ 2.0. Kể từ đây, Escape trở nên yếu như sên, rên như thiến khi gánh thân xác SUV chạy trên xa lộ, hay băng qua những đoạn đường có địa hình phức tạp. Đổi qua đổi lại rất nhiều phiên bản động cơ 3.0, 2.3, 2.0 cùng các nâng cấp trang trí lẫn vận hành, Ford Escape bắt đầu chạy số lùi về doanh số, khi đối đầu với 2 đối thủ đến từ Nhật: Honda CR-V và Mazda CX-5. Đến 2013, Ford Escape chính thức rút quân tại các showroom sau 12 năm “ngốn xăng cạn bình”.
Anh Thuận (Việt Nam): Trong bất kỳ thời đại nào, muốn trồng hoa hậu, nhà phải có sẵn chậu to. Cầm lái một chiếc Ford Escape để tận hưởng cảm giác sssướng, thêm mấy đồng xăng có gì căng!
Chakchua (Thái Lan): Đi làm chạy bán tải, cua gái lái Escape là đỉnh. Sự mạnh mẽ của Escape thể hiện sắc nét trên cả đường đô thị và cao tốc, chạy bốc như chim. Đổ xăng cũng nhức đầu thiệt.
Ford Focus: Chiếc Sedan thành công của Ford
Ra mắt Châu Âu năm 1998, và ngay lập tức giành ngôi vị “Chiếc xe của năm” ở cả Châu Âu và Bắc Mỹ, 2 thị trường xe có tiêu chuẩn cao nhất thế giới, Ford Focus tiếp đất Việt Nam năm 2005, thay thế Ford Laser vừa kết thúc nhiệm kỳ. Bản thấp nhất 1.6 MT 32.500 USD, bản cao nhất 2.0 AT Ghia 39.300 USD. Phải thành thật công nhận Ford Focus là chiếc Sedan tầm trung có thiết kế tuyệt đẹp vào thời đó, một chín một mười với Ford Mondeo dành cho doanh nhân và chủ tịch.
Vấn đề quan trọng nhất của Ford cần thuyết phục người mua không nằm ở giá bán (đã công bố) hay kiểu dáng bên ngoài (đã được nhìn thấy) mà là vết tích “ngốn xăng” trước đó do Escape để lại. Một chiến dịch Test Drive quy mô lớn được thực hiện (thuật ngữ trong ngành truyền thông quảng cáo gọi là Brand Activation) với dàn xe Focus chạy tuyến Bắc-Nam. Hàng loạt trang báo chạy bài quảng cáo với nội dung chia đôi 2 cột, để so sánh mức tiêu hao nhiên liệu giữa LỜI ĐỒN & THỰC TẾ. Với sự cải tiến mạnh mẽ về động cơ và hộp số, vấn đề ngốn xăng (của Ford) đã được giải quyết hoàn toàn thuyết phục. Còn lại là vấn đề của người tiêu dùng: lựa chọn xe màu nào, số sàn hay số tự động. Đơn giản thế thôi.
Smith (UK): Máy móc và cảm giác lái là 2 thứ ấn tượng nhất trên Ford Focus. Các trang bị an toàn và không gian nội thất vừa đủ cho một chiếc xe phân khúc phổ thông của nhà Ford.
Alvin (Malaysia): Sau 30 phút test drive, tôi quyết định đi ngược đám đông, xuống tiền cho Ford Focus mặc dù giá của nó đủ mua 3 chiếc Perodua Myvi. Đến giờ vẫn không hối hận.
Năm 2019, Focus dừng sản xuất theo chiến lược toàn cầu của Ford. Trải qua 15 năm tại Việt Nam với 2 kiểu dáng Sedan và Hatchback (rất thành công tại Châu Âu, nhưng không tạo được nét ở Việt Nam) Ford Focus (cùng Ranger và Everest) là bộ ba tam tấu trên sân khấu ô tô chạm vào tim, ghim vào óc người Việt. Để kết thúc, hãy giải trí với đoạn phim quảng cáo đậm chất Mỹ của Ford Focus ST phiên bản thể thao hiệu suất cao trước khi thả tim cho bài viết.