Xuất hiện lần đầu trên Mercedes 300SL Gullwing những năm 1950, thiết kế cửa cánh chim nhanh chóng trở thành biểu tượng độc đáo trong ngành ô tô. Cùng Suốt ngày xe điểm qua 7 mẫu xe có thiết kế cửa cánh chim nổi bật, đã ghi danh vào lịch sử ô tô thế giới. Dĩ nhiên, 7 mẫu xe này được chọn dựa trên sở thích cá nhân của người tổng hợp, chưa thể đại diện đầy đủ cho thế giới muôn màu.
Pagani Huayra: Italy
Pagani Automobili, ra đời năm 1992, hãng xe Ý nổi danh bởi những kiệt tác thủ công, sản xuất giới hạn, cầu toàn đến từng chi tiết. Người sáng lập Horacio Pagani chịu ảnh hưởng sâu sắc từ thiên tài Leonardo da Vinci, với triết lý “Nghệ thuật và khoa học có thể song hành cùng nhau” đã nuôi khát vọng chế tạo chiếc xe vừa là kỳ quan kỹ thuật vừa là tác phẩm nghệ thuật.
Năm 2011, giới siêu xe rung chuyển khi Pagani Huayra lần đầu xuất hiện tại Triển lãm ô tô Geneva. Chỉ 100 chiếc được chế tác, “Huayra” bắt nguồn từ tiếng Quechua cổ của người Andes, có nghĩa là Thần gió, được tạp chí Top Gear vinh danh “Hypercar of the Year 2012”. Minh Plastic cũng kịp sở hữu một chiếc trước khi hết hàng.
De Tomaso Mangusta: Italy
Ra đời năm 1959 tại Modena bởi Alejandro de Tomaso, một tay đua và doanh nhân người Argentina, De Tomaso khởi nguồn với mẫu xe thể thao và xe đua, chinh chiến tưng bừng trên đường đua Công thức 1 Formula One. Từ hậu thuẫn của Ford đến những lần chuyển giao quyền sở hữu, năm 2014, De Tomaso được mua lại bởi Ideal Team Ventures có trụ sở tại HongKong (cũng là đơn vị mua Apollo phía trên).
Mangusta là model xe thứ hai được sản xuất (trước đó là Vallelunga) nhưng là mẫu xe có thiết kế cửa cánh chim đầu tiên của De Tomaso, ra mắt năm 1966. Mẫu xe xây dựng trên khung sườn Lotus của Anh, động cơ Ford V8 của Mỹ, thiết kế bởi Giugiaro người Ý, sau này được trao danh hiệu Nhà thiết kế xe hơi của thế kỷ.
DeLorean Alpha5 EV: Mỹ
Tham vọng tạo ra một chiếc xe mang tính cách mạng, quý công cơ khí John DeLorean thành lập DeLorean năm 1975. Sáu năm sau, chiếc xe thể thao đặc trưng với cửa cánh chim và vỏ thép không gỉ đầu tiên xuất hiện. Dù chỉ tồn tại ngắn ngủi đến năm 1982, DeLorean vẫn kịp để lại dấu ấn khi hóa thân thành cỗ máy thời gian trong bộ phim bom tấn Back to the Future công chiếu năm 1985. Hình ảnh chiếc xe vượt mọi giới hạn không gian, thời gian khắc sâu vào tâm trí người hâm mộ, biến DeLorean thành biểu tượng văn hóa đại chúng.
Gần nửa thế kỷ sau, DeLorean tái sinh mạnh mẽ với mẫu xe điện DeLorean Alpha5 EV, ra mắt năm 2022. Thiết kế bởi Italdesign, siêu xe Alpha5 kết hợp giữa công nghệ hiện đại và tinh thần đột phá của DeLorean.
Tesla Model X: Mỹ
Những gì Tesla tạo ra trong hai thập kỷ đã thay đổi mãi mãi ngành công nghiệp ô tô. Thành lập năm 2003 tại California bởi hai kỹ sư Martin Eberhard và Marc Tarpenning, Tesla chuyển mình ngoạn mục dưới bàn tay dẫn dắt của tỷ phú Elon Musk. Từ chiếc Roadster đầu tiên năm 2008, Tesla phá bỏ định kiến “xe điện chỉ quẩn quanh trong sân golf” vươn lên thành biểu tượng xe điện toàn cầu.
Tesla Model X ra mắt năm 2015, tiếp tục khẳng định tầm nhìn tiên phong. Phát triển từ nền tảng Model S, chiếc SUV cửa cánh chim trở thành tuyên ngôn mạnh mẽ về công nghệ tương lai. Tesla luôn biết cách làm cho thế giới nhắc đến tên mình, ngoài những kỷ lục về doanh số bán xe điện top 1 toàn cầu.
Mercedes SLS AMG: Đức
Trước khi trở thành biểu tượng ngôi sao ba cánh rực sáng trên bầu trời xe sang, ít ai ngờ Mercedes-Benz, sinh ra từ cái bắt tay của Karl Benz và Gottlieb Daimler năm 1926, có thể định hình ngành công nghiệp ô tô toàn cầu. Gần một thế kỷ phát triển, Mercedes luôn gắn liền với một chữ #sang. Từ A-Class nhỏ gọn đến S-Class đỉnh cao, mỗi dòng xe đại diện cho sự xa xỉ và đẳng cấp rạng danh toàn cầu.
Tại Triển lãm Ô tô Frankfurt năm 2009, Mercedes khiến thế giới choáng ngợp với SLS AMG – siêu phẩm đầu tiên từ bộ phận AMG sau khi ngừng hợp tác với McLaren. Lấy cảm hứng từ huyền thoại 300SL thập niên 50s, Mercedes SLS AMG gây ấn tượng với nắp capo dài, cửa cánh chim biểu tượng. Ngay khi được ship về Việt Nam trong sự kiện Vietnam Motor Show năm 2010, Qua Vũ Trung Nguyên âm thầm đưa vào giỏ hàng, khởi động cho hành trình gom nguyên lô sau này.
Apollo Intensa Emozione: Đức
Với anh em hâm mộ sương sương siêu xe, cái tên Apollo hẳn chỉ gợi nhớ đến con tàu Apollo 13 bay lên mặt trăng. Tiền thân là Gumpert – hãng xe Đức do Roland Gumpert, cựu giám đốc Audi Sport, sáng lập, Apollo nổi danh với mẫu Apollo Sport (2005-2012). Tưởng chừng lịch sử khép lại, Gumpert bất ngờ hồi sinh bởi tập đoàn tài chính HongKong, đổi tên thành Apollo Automobil GmbH.
Năm 2018, Apollo tái xuất với siêu phẩm Intensa Emozione (Apollo iE) mang ý nghĩa “Xúc cảm mãnh liệt” trong tiếng Ý. Sản xuất giới hạn 10 chiếc, chỉ mang giá trị sưu tập và lưu giữ (vì quá mạnh, không đủ điều kiện lưu hành trên đường phố) Apollo Intensa Emozione được ví như kiệt tác cơ khí của người Đức, chất ngông của người Anh, và tốc độ của người Ý, cùng cơ cấu cửa cánh chim bao người mơ ước được cưỡi lên một lần trong đời.
Mazda Autozam AZ-1: Nhật
Khởi đầu từ xưởng sản xuất máy công cụ, Jujiro Matsuda thành lập Mazda năm 1920 tại Fuchu, ngoại ô Hiroshima. Năm 1931, mẫu xe 3 bánh gắn động cơ Mazda-Go ra đời, nhưng phải dừng lại vì chiến tranh. Sau cuộc chiến, Mazda trở lại mạnh mẽ với Kei-Car R360 Coupe năm 1960, đánh dấu sự gia nhập ngành ô tô Nhật Bản. Năm 1989, Mazda tiếp tục ghi danh khi ra mắt mẫu xe thể thao mui trần Miata MX-5 tại triển lãm Chicago Auto Show – huyền thoại bán chạy nhất lịch sử của Mazda.
Năm 1992, Mazda trình làng kiệt tác tí hon Autozam AZ-1, mẫu xe thể thao tí hon cửa cánh chim, nằm trong bộ ba kei car Nhật Bản nổi tiếng toàn cầu, thể hiện tầm nhìn sáng tạo của Mazda cùng đội ngũ thiết kế MX-5. Thập niên 90, Mazda đã trình diễn cho thế giới rất nhiều siêu phẩm, tại Việt Nam là chiếc sedan Mazda626, chiếc xe bộ trưởng cùng thời với Toyota Corolla.
❉ ❉ ❉
Cửa ô tô rất phong phú và đa dạng (cũng như bất kỳ loại cửa nào đó chúng ta vẫn đang thò ra, thụt vào) từ cửa truyền thống, cửa lùa, cửa kéo cắt, cửa cánh bướm, cửa cánh chim… Mỗi loại có cách thức hoạt động, cấu trúc riêng biệt. Trong khi Lamborghini và Ferarri thường chơi hệ cửa cắt kéo, gần như các hãng siêu xe khác đều thiết kế cửa cánh chim. Dưới đây là ba loại cửa ô tô phổ biến: cửa truyền thống, cửa lùa, và cửa cánh chim.
1/ Cửa truyền thống – Conventional door
Cửa truyền thống là loại cửa phổ biến nhất, mở ra ngoài bằng cách xoay (kéo) bản lề nằm ở phía trước. Cơ chế hoạt động bao gồm 2 bộ phận:
- Bản lề: kết cấu tương tự bản lề tủ bếp, tủ quần áo. Khi có cảm giác cửa xe đóng không kín, bạn nhớ kiểm tra bản lề để đảm bảo an toàn khi di chuyển.
- Chốt khóa: được điều khiển bởi một mô-tơ điện. Khi nhấn nút mở khóa, tín hiệu gửi đến bộ điều khiển trung tâm, kích hoạt mô-tơ để đóng/mở cửa.
2/ Cửa lùa, cửa trượt – Sliding doors
Cửa lùa (tên gọi khác là cửa trượt) được thiết kế để trượt trên các ray nằm ngang dọc theo thân xe. Đây là thiết kế cửa thường thấy trên các mẫu minivan vì tính tiện dụng trong việc ra vào. Xe du lịch cửa trượt đầu tiên ở Việt Nam là Toyota Hiace (Cá mập) xuất hiện từ thập niên 90s. Ngày nay, Hyundai Custin, Kia Carnival trang bị cửa trượt. Một biến thể của cửa trượt là trượt ra 2 bên, thường thấy trên xe bus.
- Cấu trúc: cửa được gắn trên ray trượt, cho phép cửa di chuyển dễ dàng mà không cần không gian lớn để mở ra ngoài.
- Lợi ích: cửa trượt giúp tiết kiệm không gian, thuận tiện cho việc ra vào xe, đặc biệt khi chở nhiều người hoặc hàng hoá.
3/ Cửa cánh chim – Gullwing doors
Cửa cánh chim (ưng) có thiết kế đặc biệt, mở lên cao, bản lề đặt trên mui xe với các chi tiết cơ khí phức tạp, nâng lên hạ xuống bởi các ống thuỷ lực. Chiếc xe đầu tiên có thiết kế cửa cánh chim là Bugatti Type 64 xuất hiện từ năm 1939, mẫu xe đua của Pháp, thiết kế bởi nhà sáng lập vĩ đại Jean Bugatti. Type 64 chính là nguyên mẫu, nguồn cảm hứng cho hàng loạt hãng xe Aston Martin, Mercedes, DeLorean… tạo nên những siêu phẩm “bước ra, bước vào”.
- Cơ chế: cửa mở và xoay theo trục nghiêng hướng lên trên. Thiết kế này yêu cầu độ chính xác tuyệt đối về bộ phận cơ khí, không gian lớn hai bên để cửa mở hoàn toàn.
- Ứng dụng: cửa cánh chim chỉ xuất hiện trên siêu xe. Tính thẩm mỹ cao, niềm tự hào phát sáng cho chủ nhân, đặc biệt tạo cảm giác wow wow cho khán giả xung quanh.
Có thể thấy, những sáng tạo về kiểu dáng thiết kế, động cơ hộp số của ô tô đã được định hình từ hơn nửa thế kỷ trước. Điều có ý nghĩa các nhà sản xuất ngày nay sáng tạo thêm cho ngành ô tô là trang bị an toàn, hỗ trợ lái xe và tiết kiệm nhiên liệu.