Người Việt đã và đang mềm lòng trước dòng xe nào?

Nguoi Viet Mem Long Thumbnail 1

Theo dòng thời gian, nếu tính từ năm 1995 đến giờ, nhu cầu và xu hướng mua ô tô của người Việt đã thay đổi khá nhiều, chủ yếu đến từ 2 nguyên nhân: thu nhập tăng lên & hạ tầng giao thông được nâng cấp. Các hãng xe trước khi quyết định tung mẫu xe nào, vào thị trường nào, đều dựa trên rất nhiều chỉ số: tổng lượng xe tiêu thụ trong 5 năm, tổng lượng đăng ký xe mới của từng địa phương, thu nhập bình quân đầu người, mức độ yêu thích về thương hiệu/kiểu dáng… Không riêng chiếc xe tiền tỷ, mà ngay cả một chai bia, hộp bao cao su, cách làm cũng như nhau. Đó là lý do vì sao chúng ta thấy rất nhiều mẫu xe ưng mắt, đẹp mặt của Toyota, Kia, Audi… chưa chịu về Việt Nam, mặc dù đã có sẵn visa.

1995 – 2005: Bốn bánh, 4 chỗ

Đây là thời của Sedan nói riêng và xe 4 chỗ nhỏ gọn nói chung. Daewoo Matiz – chiếc ô tô nhỏ nhất và rẻ nhất Việt Nam – ra mắt năm 1998 đã phá tan tảng băng về sở hữu ô tô, khi đó ô tô vẫn là tài sản bốn bánh, chứ không phải phương tiện di chuyển. Các hãng xe nổi bật thời này bao gồm Toyota, Mazda, Mitsubishi của Nhật, Mercedes, BMW của Đức, Ford của Mỹ và liên doanh Mekong Auto chuyên lắp ráp. Xe Hàn có Daewoo với 3 model được lựa chọn nhiều nhất vì giá rẻ: Daewoo Matiz, Daewoo Lanos và Daewoo Lacetti.

Bốn bánh, bốn chỗ, máy nhỏ, chủ yếu chạy vòng quanh thành phố, hiếm khi nào lấy xe đi chơi xa. Cả gia đình hay nhóm bạn muốn đi Nha Trang, Đà Lạt thường bắt taxi ra bến xe Miền Đông, mua vé Phương Trang, Mai Linh, Thành Bưởi chạy đến HongKong cũng được. Xe 5 chỗ, 7 chỗ (tạm gọi MPV) chỉ loanh quanh 3 cái tên Toyota Zace, Mitsubishi Jolie, Mazda Premacy. Tổng số mẫu xe cho người tiêu dùng chọn mua thời này, chắc không quá 30 mẫu, bao gồm 4 chỗ, 5 chỗ, 8 chỗ, và cả bán tải (so với năm 2023, có gần 300 mẫu xe để chọn).

Anh Phát (Chủ doanh nghiệp): Thời này, có 2 chiếc xe chắc tôi không bao giờ quên được: một chiếc Matiz màu xanh cốm, và một chiếc Zace màu vỏ dưa.

2005 – 2015: Bảy chỗ, gầm cao

Nếu nhắc lại thời kỳ này, bạn sẽ nhớ đây là giai đoạn phát triển bùng nổ của nhiều lĩnh vực, đặc biệt chứng khoán và bất động sản. Đang đi cày bừa 5-7 năm, công ty lên sàn, được chia hoặc mua cổ phiếu ưu đãi, trúng mánh, vác tiền đi mua ô tô cho thoả cái thích. Cơn sốt bất động sản biến người nông dân thành địa chủ; cò đất thành đại gia, ô tô trở thành công cụ ngoại giao và tô vẽ hình ảnh mà không cần nhiều lời giải thích. “Ngồi khóc trên chiếc BMW vẫn thấy hạnh phúc hơn đang đứng cười bên chiếc Martin 107”.

Khởi đầu cho dòng xe MPV giai đoạn này có lẽ là Mitsubishi Grandis, nhưng chính Toyota Innova (thay thế Zace) mới là chiếc xe tạo nên triều đại MPV 7 chỗ tại Việt Nam. Từ gia đình, cơ quan đến taxi, ở đâu có 7 người, ở đó có Innova. Trong phân khúc SUV, Ford Everest đã hốt bạc từ 2005 đến 2009, sau đó lần lượt chia thị phần cho Toyota Fortuner và Hyundai Santa Fe. Có thể nói, Santa Fe được chọn là con xe chiến lược, để Hyundai xây dựng thương hiệu xe Hàn tại Việt Nam, và đã thành công. Giai đoạn này, người Việt chưa đòi hỏi tiện nghi gì cao sang, chỉ cần 7 chỗ, gầm cao, tiết kiệm xăng dầu, đi xa đi gần một chiếc là đủ đẹp.

Anh Hoà (Giám đốc): Sau khi phân vân giữa Jolie và Grandis, mình chốt Grandis vì kiểu dáng độc đáo của nó. Có lần mang Grandis đi tập lái, sáng bừng cả sân trường.

2015 – 2025: Cơn sóng SUV

Khi có đủ tiền trong tay, chúng ta có đủ quyền lựa chọn. Dòng xe Hatchback nhỏ gọn dành cho taxi; sedan phổ thông đơn điệu về kiểu dáng, nhìn chán chả muốn chạy; sedan thể thao như Porsche nghe tiếng máy đã đái ra quần; trong khi kiểu dáng SUV muôn hình vạn trạng, từ 800 đến một tỷ rưỡi đã có hơn 30 em đào ngon, gầm cao máy thoáng để chọn, để chạy, để cưỡi. Nhìn ra nhu cầu và xu hướng mua xe của người Việt, các hãng xe đều tập trung mạnh vào phân khúc SUV, vì không muốn bỏ lỡ cơn sóng này, sẽ còn diễn ra trong nhiều năm tới.

Nếu không tính các mẫu xe có giá bán trên trời dành cho một số thượng đế dưới mặt đất, hiện nay có khoảng 45 mẫu SUV đến từ 20 thương hiệu đang bán chính hãng tại Việt Nam. Số lượng mẫu xe SUV tăng lên tương ứng với số lượng Reviewer, khiến người muốn mua xe vừa hồi hộp, vừa háo hức như lần đầu tiên dậy thì. Nghe ai review, cũng thấy cuốn. Nhưng khi muốn, lại thấy sợ. Sợ đủ thứ trên đời. Cũng SUV, cũng xe Nhật, cũng tầm 1 tỷ, nó phù hợp với người (thích kiểu dáng) chắc gì phù hợp với mình (thích cảm giác lái). Ngay cả một mẫu xe bán chạy top 1 phân khúc, đồng nghĩa với số đông đã kiểm chứng, chưa chắc là chiếc xe phù hợp với mình (bỏ qua yếu tố tài chính).

Con xe cũng như con người, giá cả mua bán và giá trị sử dụng là 2 thứ hoàn toàn khác nhau. Đôi khi $1.000/lần không thể mang lại cho ta niềm hân hoan tột đỉnh bằng $100/đêm, vì bản thân ta là người muốn thưởng thức thời gian trôi chậm.

Anh Khương (Cò đất): Do nhu cầu di chuyển Sài Gòn – Bảo Lộc mỗi tuần 1 tour nên tôi chọn mua SUV ngay từ đầu. Chở bao nhiêu tiền cũng không thấy mệt.

Tạm kết: Chờ đợi bán tải Hàn

Từ Sedan đến MPV và SUV, xu hướng thị trường luôn có sự chuyển dịch theo chu kỳ với sự xuất hiện và cạnh tranh giữa 30 hãng xe chính hãng, so kè nhau từng chiếc một. Riêng dòng bán tải, chúng ta chỉ có 6 mẫu, trong đó một mình Ford Ranger Mỹ chấp 5 hãng xe Nhật. Ranger ngày đêm mất ngủ, vì không có đối thủ. Đã đến lúc Hyundai và Kia hợp lực. Đã đến lúc bán tải Hàn lăn bánh. Nếu không là bán tải, thì 1/3 tải cũng hay mà.

Mời đọc thêm

Thong thả lướt nhanh