Daewoo Matiz đã từng là chiếc xe rẻ nhất nước, nhưng thời đó qua lâu rồi. Việt Nam chúng mình chỉ yêu thích tiếng rít động cơ Ferrari, đam mê cháy bỏng siêu xe chục tỷ, không lo nghĩ đến một chiếc xe bình dân, có thể cân được nhiều hành trình mưu sinh.
Perodua Axia E: 115 triệu VNĐ
Năm 1991, Ngài thủ tướng Malaysia Dr Mahathir phất cờ cho dự án công ty ô tô nội địa thứ hai sau Proton, mang tên Perodua, liên doanh với Daihatsu Nhật Bản. Công ty được yêu cầu nhắm vào phân khúc giá mềm như bún, bán xe cho người lao động bình dân. Vâng, thưa Ngài! Đầu năm 2022, hãng tung ra mẫu xe Perodua Axia E (dựa trên nền tảng Toyota Wigo thế hệ cũ) phiên bản rút gọn mọi tiện nghi, rẻ nhất vùng Đông Nam Á với giá bán tương đương 115 triệu, bằng 2 chiếc Honda Air Blade mà thôi.
Bốn bánh. Che nắng, chắn mưa. Cầm lái nhẹ nhàng. Đậu đỗ vô tư. Perodua Axia E không chỉ là chiếc xe mơ ước của người dân Malay, mà còn đặt ra câu hỏi lớn: Bao giờ, đến bao giờ, những người dân chân lấm tay bùn Việt Nam mua được một chiếc xe như Perodua Axia E?
Daihatsu Mira e:S: 145 triệu VNĐ
Thương hiệu Daihatsu Nhật Bản thành lập năm 1951; được Toyota tiếp quản năm 1999. Mẫu xe Daihatsu được biết đến nhiều nhất tại Việt Nam là Terios, ra mắt năm 2003. Mặc dù thương hiệu Daihatsu vẫn đang được bán tại nhiều quốc gia, nhưng Daihatsu đã rút khỏi thị trường Việt Nam từ rất lâu, nhường quyền ưu tiên cho công ty mẹ Toyota ứng dụng nền tảng của mình vào các mẫu xe bình dân.
Các dòng xe Daihatsu dù được bán ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều mang dòng máu nổi trội của Daihatsu với 3 đặc điểm chưa bao giờ thay đổi: nhỏ, nhẹ & rẻ. Trong khi Daihatsu Tanto đứng top 1 phân khúc Kei Car tại thị trường nội địa Nhật Bản, Mira e:S là chiếc xe rẻ nhất nước Japan với giá bán quy đổi chỉ 145 triệu VNĐ, còn rẻ hơn chiếc SH350 thần thánh một khúc tiền.
Kia New Morning: 349 triệu VNĐ
Ra mắt toàn cầu lần đầu năm 2003. Chính thức sản xuất năm 2004. Nhập kho Việt Nam năm 2005. Lắp ráp trong nước bởi Trường Hải năm 2008. Trong gần 20 năm tung hoành tại Việt Nam, Kia Morning đã hất cẳng Daewoo Matiz giai đoạn đầu, lật mặt Hyundai Grand i10 một thời gian dài, chỉ bị VinFast Fadil bóp kèn vượt qua trong vài tháng. Nhưng không hề gì. Đường dài mới biết ngựa hay. Giang hồ gọi Kia New Morning là xe cỏ, nhưng có mỏ có sừng. Một chiếc xe nhỏ gọn, tinh giản công nghệ nhưng cũng đẹp điệu đà, Kia New Morning là lựa chọn xuất sắc dành cho người muốn mua xe chạy tập lái, chạy dịch vụ hay đôi trẻ mới cưới. Chắc chắn, phân khúc xe dưới 300 triệu không còn cửa cho các tay chơi mới tại thị trường Việt Nam.
Thông tin bổ sung từ Suốt ngày xe
Tính từ 1995, trải qua hơn một phần tư thế kỷ hình thành, 30 hãng xe đang hoạt động, giá xe tại Việt Nam dù nhập khẩu hay lắp ráp trong nước vẫn cao chót vót so với thế giới. Giá bán một chiếc xe cơ bản (tạm gọi là xe cỏ) bao gồm 5 chi phí quan trọng, đan kết vào nhau như bia và mồi.
1/ Chi phí nghiên cứu và phát triển
2/ Chi phí quản trị, sản xuất trực tiếp
3/ Chi phí sản xuất phụ tùng dự phòng
4/ Chi phí dịch vụ bảo dưỡng, bảo hành
5/ Chi phí truyền thông quảng cáo
Chi phí ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của 3 đơn vị: nhà sản xuất, nhà phân phối, đại lý bán xe. Đối với xe bình dân, vòng đời đã đủ dài, nhà sản xuất hoàn toàn có thể cắt giảm cả 5 chi phí, đặc biệt số 1, số 2 & số 3, đưa tỉ lệ nội địa hóa cao nhất có thể, sẽ giảm giá xe đáng kể. Nhưng hầu hết các nhà sản xuất đều không dám chơi game lớn này, vì giá xe còn phụ thuộc vào chính sách thuế, phí của nhà nước và sản lượng xe tiêu thụ của thị trường. Dự báo năm 2024, sản lượng xe tiêu thụ tại Việt Nam sẽ chạm ngưỡng 500.000 xe, nhưng chỉ bằng 50% so với Indonesia, 70% Thái Lan.
Các hãng xe có nhà máy lắp ráp tại Việt Nam (nhưng bán xe nhập khẩu là chủ yếu) vẫn đang án binh bất động, chưa ai dám phất ngọn cờ “bình dân hóa ô tô” để tự tin giới thiệu một chiếc bốn bánh, che nắng, chắn mưa trong tầm giá 199 triệu quay đầu.