Thập niên 2000, xe máy Trung Quốc càn quét thị trường Việt Nam, khiến Honda, Yamaha, Suzuki thức tỉnh. Hai mươi năm sau, Xiaomi, Huawei, Oppo định nghĩa lại thế giới điện thoại, máy tính bảng, sản phẩm công nghệ. Trong lĩnh vực ô tô, sức mạnh kinh khủng của các hãng xe Trung Quốc đã phá vỡ thế trận được sắp đặt bởi Đức, Mỹ, Nhật tồn tại hơn một trăm năm. Tiếp nối bài giới thiệu các hãng xe Trung Quốc phần 1, Suốt ngày xe điểm danh thêm 4 hãng xe Trung Quốc có nhiều nét đặc sắc riêng biệt.
FAW: 1953
Ngày 3/9/2015, trong sự kiện duyệt binh, Chủ tịch Tập Cận Bình xuất hiện trên chiếc Hongqi L5 mui trần màu đen (Hồng Kỳ L5), đánh dấu sự trở lại của thương hiệu ô tô quốc dân Trung Quốc.
Hongqi – Lá cờ đỏ – thương hiệu thuộc First Automobile Works (FAW) thành lập năm 1953, với mục đích chế tạo xe tải phục vụ quân đội. Gần nửa thế kỷ, xuyên suốt từ năm 1957, FAW được chính phủ đặt hàng sản xuất xe phục vụ nguyên thủ quốc gia (tương tự Cadillac của Mỹ) nhưng chưa có mẫu xe nào đạt được kỳ vọng của các cấp lãnh đạo, cho đến khi Trung Quốc quyết tâm làm xe, mở cửa liên doanh với Volkswagen, Mercedes, BMW, Toyota… vào cuối thập niên 80s, FAW và những câu chuyện khởi nghĩa ngoạn mục của hàng chục hãng xe Trung Quốc lần lượt khai sáng thế giới.
Chery Omoda: 1997
Chery là hãng xe do nhà nước Trung Quốc sở hữu, thành lập năm 1997, bán xe car dưới thương hiệu Chery. Từ năm 2003, Chery giữ vị trí “Hãng xe xuất khẩu số 1 Trung Quốc” trong 20 năm liên tiếp. Ngoài thị trường nội địa Trung Quốc, Chery hoạt động mạnh ở Nam Mỹ, Châu Phi, Đông Âu, đặc biệt tại Nga sau khi chiến sự nổ ra 2022, các hãng xe phương Tây rời đi, Chery nhảy vào. Các mẫu xe Chery thuộc phân khúc bình dân, chủ yếu cân nhu cầu di chuyển cơ bản hàng ngày.
Omoda thuộc Chery, được chỉ định trở thành thương hiệu độc lập, lăn bánh toàn cầu. Xuyên suốt 9 tháng đầu năm 2024, đội ngũ vận hành Omoda Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động thăm dò thị trường, test drive con đường cho giới báo chí. Tháng 09/2024 đại lý Omoda nhận pre-order, giao xe vào cuối năm. Tại Việt Nam, Chery Omoda C có thiết kế thời thượng, gầm cao thể thao, bảo hành động cơ 10 năm, hoặc 1.000.000 km (chưa hãng xe nào tại Việt Nam dám chơi lớn như vậy) thuộc phân khúc SUV B với 15 đối thủ, mạnh nhất nhì ba bao gồm: Mitsubishi Xforce, Toyota Yaris Cross và Kia Seltos. Ngày 26 tháng 11 năm 2024, Omoda C chính thức ra giá: 589 triệu bản Premium; 669 triệu bản Flagship. Chúng ta chờ xem, Chery Omoda C rất đẹp về hình thức, có xóa bỏ lời nguyền chất lượng xe Trung Quốc!
BYD: 2003
Năm 1995, Wang nghỉ việc nhà nước, khởi nghiệp ở tuổi 29, thành lập BYD (Build Your Dreams) chuyên cung cấp pin điện thoại di động cho Nokia, SamSung, Motorola. Năm 2003, Wang mua công ty ô tô phá sản, chuyển đổi nhà xưởng từ xe xăng sang xe điện. Thương hiệu BYD Auto ra đời.
Trong 20 năm tiếp theo, Wang đã tạo dựng hành trình không tưởng trong ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc nói riêng và toàn cầu nói chung. Ngày nay, BYD chiếm 40% thị phần xe điện Trung Quốc, bỏ xa người về nhì Tesla. Các sản phẩm xe điện của BYD phủ rộng mọi phân khúc, từ xe bình dân giá $15.000 đến siêu xe điện với thông số khiếp đảm: 1.000 mã lực, tăng tốc từ 0-100km/h trong 2,8 giây, tương ứng một cái chớp mắt.
BYD phân phối xe trên một nửa địa cầu, 70 quốc gia, 400 thành phố, Châu Âu, Châu Úc, Nam Mỹ, Canada và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Với những bước đi thần tốc, đầu tư cho nghiên cứu, nắm giữ công nghệ lõi, đặc biệt về sản xuất pin, dự kiến trong 10 năm tới, không một đối thủ (ngoại quốc) nào đủ sức cản đường BYD được nữa.
Zeekr: 2021
Li Shufu thành lập Geely năm 1986, bước vào lĩnh vực ô tô năm 1997, cũng là hãng xe tư nhân đầu tiên tại Trung Quốc. Bước ngoặt mang tên Geely đến vào ngày 28 tháng 03 năm 2010 khi Geely mạnh tay đưa thương hiệu Volvo Thuỵ Điển vào giỏ hàng từ Ford Motor.
Ngoài Volvo, một danh sách dài các thương hiệu xe quốc tế được Geely gom về bao gồm: Lotus của Anh, Smart của Đức, Proton của Malay. Trụ sở đặt tại Gothenburg, Thuỵ Điển, quê nhà Volvo, nơi có tiêu chuẩn cao nhất trong ngành ô tô, Geely bán xe dưới nhiều thương hiệu khác nhau: Geely Auto đại chúng, Lynk&Co cao cấp (bán tại Việt Nam 2024) và Zeekr, thương hiệu xe định vị phân khúc luxury đầu tiên của Trung Quốc trên bản đồ xe toàn cầu. Hãy nhìn Zeekr 009 Grand, mẫu MPV thuần điện cấu hình 2+2, giá $110.000 dành cho chủ tịch (Suốt ngày xe).
Zeekr có rất nhiều lợi thế về sản xuất xe sang: tài chính vô tận từ công ty mẹ, nguồn lực chất xám từ con người Volvo, chất liệu thủ công từ pháp sư Trung Hoa. Ngày Zeekr 009 Grand lăn bánh ở Việt Nam hẳn còn xa, đủ thời gian cho Toyota Alphard, Lexus LM chuẩn bị bôi dầu nghênh đón.