Những mẫu xe để đời của Mitsubishi tại Việt Nam

Mitsubishi Con Chiec Nao Thumbnail

Trước khi thành công lạ kỳ trong nửa thập kỷ với tay súng bắn tỉa Xpander, Mitsubishi gần như bị kẹp chặt giữa gọng kìm Toyota. Từ mẫu xe đầu tiên L300 bị đè bẹp bởi Toyota cá mập; Jolie bị cướp số bởi Zace; Lancer không lối thoát giữa Corolla; Grandis tử trận bởi Innova. Ngoại trừ Pajero lầm lầm lì lì, mọi mẫu xe của Mitsubishi trong 20 năm đầu tiên tại Việt Nam đều lu mờ trước nhiều đối thủ. May sao, viên đạn cuối cùng Xpander đã bắn trúng đích, mở ra thời đại Mitsubishi vẫn còn nguyên giá trị, vốn được nhiều người Việt yêu mến. 

Jolie: Nàng thơ mơ mộng

Jolie tại Việt Nam, Freeca tại Đài Loan, Adventure tại Philippine, dù mang tên nào, Mitsubishi vẫn gửi vào đó “một ước mơ nữa trong tầm tay” về phong cách di chuyển mượt mà. Ra mắt năm 1998, nhưng phải đến khi bài hát “Đôi cánh tình yêu” do Mỹ Tâm thể hiện trong đoạn phim quảng cáo, Mitsubishi Jolie mới thực sự xếp hàng lăn bánh ra khỏi các showroom. 

Jolie trở thành niềm mơ ước của trai thanh gái tú, đặc biệt mấy cô có chồng giám đốc. Công thức thành công không có nhiều bí mật: xe Nhật, gầm cao, chở được 7 người. Thời đó khái niệm MPV chưa hình thành. Jolie mềm mại, uyển chuyển, đặc biệt ở cụm đèn sau kéo dài hết cột D, tạo điểm nhấn cực mạnh. Trong rất nhiều điểm yêu, Jolie vẫn có điểm yếu (so với Zace) là sử dụng bình xăng con, thay vì phun xăng điện tử. Jolie hao xăng, Mitsubishi phụ tùng đắt đỏ. Kết thúc vòng đời năm 2007, nàng thơ Jolie khép lại cặp đùi 4 bánh, nhoẻn một nụ cười nằm dưới anh Zace về doanh số: 12.000 xe, so với Zace 17.000 xe. 

Jacky (Đài Loan): Jolie gắn bó với gia đình mình 10 năm, từ lúc cưới đến khi có 2 em bé. Ngoại trừ không gian nội thất hơi nhỏ, mọi thứ trên Jolie đều hoàn hảo. Đi gần, đi xa chạy ngọt như ly trà sữa.

Hương (Việt Nam): Xem xong đoạn phim quảng cáo, mình dắt anh chồng ra showroom coi xe liền luôn. Đẹp mê mẩn. Không nhớ giá trị xe bao nhiêu, nhưng có nhớ, là mình bán vàng để mua xe.

Lancer: Người mở đường cho dòng Sedan

Trước năm 2000, ngoài L300 dòng Minibus; Jolie phân khúc MPV; Pajero xếp hạng SUV, Mitsubishi chưa có bất kỳ mẫu Sedan nào tại Việt Nam. Mitsubishi nhận thấy đây là một khoảng trời lớn, nhưng cũng nhận thức được có 3 con đại bàng đang trấn giữ: Toyota có Corolla (năm 2003 có thêm Vios); Mazda có 323; Ford có Laser; chưa kể 2 chú diều hâu Hàn Quốc Daewoo và Kia đang nỗ lực lấy số. Nói cách khác, Lancer trên đe-dưới búa. Câu hỏi đặt ra cho Mitsubishi: đầu hàng, hay hàng đầu? Ra mắt công chúng từ năm 1973, được đón nhận nồng nhiệt trên một phần ba địa cầu, không lý do gì Lancer không dám đương đầu trước các thách thức. Mùa hè đỏ lửa năm 2000, Mitsubishi Lancer chính thức nổ máy, xuất xưởng.

Trải qua đúng 5 năm tiểu học, một lần nâng cấp từ Lancer lên Lancer Gala, đi trước thời đại với hộp số vô cấp CVT (vẫn còn được ứng dụng đến tận ngày nay), công suất động cơ mạnh mẽ, thiết kế không hề xấu, nhưng Lancer vẫn phải đầu hàng trước những con đại bàng có móng vuốt sắc nhọn. Nói gì nói, thời điểm những năm 2000, tất cả mẫu xe đều là phép thử, các hãng xe đều được phép sai. Lancer là một trong những model xe có nhiều phiên bản khác nhau, được biết đến nhiều nhất là Lancer Evolution – phiên bản thể thao hiệu suất cao, không bán chính hãng ở Việt Nam. Lancer ra đi người đời không tiếc, nhưng khi nghe Lancer Evolution tạm biệt cõi trần, các fan trên khắp thế giới đã mang xe ra đường nổ máy, dùng khói xe thay khói nhang, để nguyện cầu cho một huyền thoại đoản mệnh.

Cái chết yên bình của Lancer (Việt Nam năm 2005; toàn cầu năm 2015) cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho Mitsubishi đang hụt hơi trước những đối thủ quá lớn. Ngoại trừ Pajero có DNA địa hình thể thao riêng biệt, mọi mẫu xe của Mitsubishi trong 20 năm đầu tiên tại Việt Nam đều chậm thay đổi, không theo kịp xu hướng tiêu dùng, mặc cho những giá trị làm nên tên tuổi của hãng vẫn còn đó: tính bền bỉ, động cơ mạnh, khả năng vận hành tuyệt vời.

Grandis: Công tử bạc triệu

Khi chính thức mở bán năm 2005, Grandis được định vị cao hơn tất cả các xe MPV thời bấy giờ, bao gồm Zinger của chính Mitsubishi, Innova của Toyota (ra mắt 2006) và Premacy của Mazda. Có nhiều lý do để Grandis tự tin định vị phân khúc hạng sang: động cơ độc quyền Mivec 2.4 thế hệ mới, hàng ghế 2 và 3 có thể trải phẳng nằm ngủ, hoặc gập lại chở hàng, kiểu dáng thiết kế đẹp lạ, thắng đĩa 4 bánh và thiết bị chống trộm. Grandis giá công bố 44.000 USD, so với bản cao cấp nhất của Innova là 29.900 USD. Chênh lệch 14.000 USD khi đó, đủ tiền mua thêm một chiếc Daewoo Lanos chưa lăn bánh.

Grandis lắp ráp tại Việt Nam, cũng là thế hệ đầu tiên trên thế giới, khi đi vào vận hành thực tế bởi các tay lái Việt, đường xá giao thông Việt, bắt đầu phát sinh lỗi. Từ “các lỗi mà không phải lỗi” như thân dài, xác nặng, tay lái cứng, đến một ngàn lẻ một thứ khác không vừa lòng người dùng, nhằm thanh minh cho giá xe 44.000 USD không xứng đôi vừa đũa. Grandis bắt đầu chìm dần trước ông hoàng Innova, có mặt khắp nơi từ công sở đến công viên, từ xe nhà riêng đến taxi quần chúng. Và thực sự chìm hẳn vào năm 2011, khi các mẫu SUV của Hyundai và Kia ra mắt sau nhiều năm thai nghén. Giá bán rẻ hơn, option ngập mặt, Grandis giương “đôi mắt” đèn pha hình tam giác loé sáng lần cuối, trước khi chào tạm biệt. Công tử bạc triệu khép lại một thời định giá hiên ngang. Mitsubishi cũng tự nhìn lại chính mình: phải chăng người Việt chỉ cần một chiếc MPV phổ thông, không cần khác biệt, giá 700 triệu quay đầu?

Minchai (Thái Lan): Khi xe ra mắt, nhìn thấy ghiền mà chưa đủ tiền. Sau này mua con Grandis cũ đời 2008. Mình quen chạy bán tải, leo lên cầm lái Grandis, cảm giác như đang ở một tầng mây khác luôn.

Raman (Malaysia): Chiếc 7 chỗ đầu tiên của gia đình là Zace, tiếp theo là Grandis, một lựa chọn cao cấp, vì giá của nó lụm được 3 chiếc xe nội địa. Máy mạnh như súng, lái đúng ý vợ. Êm, đầm, và sang.

Hùng (Việt Nam): Ngoại trừ gầm thấp (để phù hợp với form xe), cảm giác lái của Grandis mượt không chiếc nào sánh được. Máy mạnh nhưng điềm đạm, đường phố đường đèo lướt đi băng băng.

Mời đọc thêm

Thong thả lướt nhanh