Suzuki XL7 và Jimny đang vẫy gọi Swift trở lại Việt Nam

Danh gia Suzuki XL7 va Jimny

Trên đường phố Việt thập niên 90, Suzuki Vitara – chiếc SUV địa hình nhỏ gọn đậm tính thể thao chưa bao giờ đánh mất bản sắc khi chạy song hành với Land Cruiser nhập khẩu.

Khi thị trường phát triển, người giàu phất lên, Swift xuất hiện như làn gió mới trong phân khúc hatchback đô thị – nhỏ gọn, khác biệt, khả năng vận hành linh hoạt. Celerio tự tin đi vào phân khúc giá rẻ với ưu điểm tiết kiệm nhiên liệu tối đa. Khi nhu cầu xe gia đình tăng cao, Suzuki đưa Ertiga vào thị trường – một mẫu MPV 7 chỗ với giá bán hợp ví, chi phí vận hành thấp.

Bước sang thập niên 2020, Suzuki tiếp tục câu chuyện của mình với hai nhân vật mới: XL7 – thay thế Ertiga với diện mạo SUV mạnh mẽ hơn, và Jimny – hậu duệ tinh thần của Vitara nhưng với cá tính riêng biệt, hoang dã và đậm chất off-road.

Suzuki XL7: Sức mạnh của động cơ nhỏ

XL7 là câu chuyện về sự tiến hóa khi Suzuki khéo léo biến hóa từ MPV Ertiga thành SUV 7 chỗ đầy đủ tính năng. Nhìn XL7, người ta dễ dàng nhận ra dáng dấp thân thiện của Ertiga nhưng với tư thế hiên ngang hơn – một người anh em đã trưởng thành, tự tin lăn bánh. Nhẹ nhàng, nhẹ tiền, nhẹ góp là những gì thuộc về Suzuki XL7. Mời xem hết clip GearUp đánh giá XL7.

  • Kích thước: 4.450 x 1.775 x 1.710 mm
  • Trọng lượng không tải: 1.195 kg (khá nhẹ)
  • Kiểu dáng: SUV, cấu hình 7 chỗ ngồi đa dụng
  • Động cơ 1.5, tích hợp máy phát điện khởi động
  • Hỗ trợ lái: kiểm soát hành trình, cân bằng điện tử

Khoác lên mình tấm áo SUV với lưới tản nhiệt lớn, cản trước thể thao, gầm cao 200mm, XL7 đã vượt qua giới hạn của một chiếc MPV thuần túy. Bên trong, không gian 7 chỗ ngồi của XL7 được bố trí thông minh. Hàng ghế hai có thể trượt và gập, trong khi hàng ghế ba – thường là điểm yếu của những mẫu xe 7 chỗ giá rẻ – được thiết kế khá thoải mái, người lớn co duỗi vô tư. Trong tầm giá 600 triệu, 7 chỗ gia đình, Suzuki XL7 nằm giữa Honda BR-V và Hyundai Stargazer X.

Suzuki Jimny: Chàng lãng tử cô độc

Nếu XL7 là người đàn ông gia đình, trưởng thành và đáng tin cậy, Jimny lại là chàng trai nổi loạn, không màng xu hướng, sống theo cách riêng. Trong thế giới SUV ngày càng trở nên mềm mại và nữ tính, Jimny kiên quyết nói không với đám đông – một chiếc off-road thuần chủng trong thân hình mi-nhon.

Jimny thế hệ thứ tư là sự tiếp nối của một di sản gần 50 năm, khi chiếc LJ10 đầu tiên ra mắt vào năm 1970. Qua bao thế hệ, Jimny vẫn trung thành với giá trị thiết kế ban đầu: khung gầm rời, hệ dẫn động 4 bánh part-time, kích thước nhỏ gọn.  Mời xem trọn clip bạn gái Xế Cưng test drive anh chàng Jimny, trông đẹp đôi quá trời.

Nhìn Jimny từ bên ngoài, không khó để cảm nhận sức hút diệu kỳ của nó. Thiết kế vuông vức, đèn pha tròn cổ điển, lưới tản nhiệt đơn giản tạo nên vẻ ngoài đậm nét retro. Không có đường cong mềm mại hay chi tiết thừa thãi, Jimny là hiện thân của chủ nghĩa chức năng.

Bên trong Jimny là không gian tối giản. Bảng táp-lô vuông vức với các nút bấm cơ học lớn có thể sử dụng ngay cả khi đeo găng tay, vô lăng đơn giản chắc chắn, ghế ngồi được thiết kế để hỗ trợ người lái trong những địa hình khó khăn. Không gian hàng ghế sau khiêm tốn và khoang hành lý nhỏ, Jimny chưa bao giờ hứa hẹn là chiếc xe gia đình.

Động cơ 1.5L tự nhiên, 101 mã, mô-men xoắn 130 Nm, trọng lượng 1,1 tấn, Jimny đủ sức đi đâu cũng được. Bán kính quay đầu 4.9m, hệ thống treo cầu cứng 3 liên kết với lò xo cuộn, góc tới 37 độ, góc thoát 49 độ, khoảng sáng gầm 210mm cho phép Jimny vượt qua những chướng ngại mà nhiều SUV lớn hơn phải bó tay, quay đầu.

Jimny Heritage

Khoang cabin hẹp, tiếng ồn lớn, cảm giác lái khá “cơ khí”. Nhưng đó mới chính là điểm thu hút đặc biệt của Jimny. Là mẫu xe cực kỳ kén khách ngay từ số lượng sản xuất giới hạn, 799 triệu chưa phải giá lăn bánh cho phiên bản 2 tone màu, Jimny là mẫu xe không cần phải chạy quảng cáo quá nhiều để tìm khách hàng, bởi kiểu dáng off-road king điển này, người Việt chỉ có 3 lựa chọn: Defender 5 tỷ và G63 mua được 2 Defender.

Khung gầm Heartect của Suzuki

Vào những năm đầu thập niên 2010, khi các hãng xe lớn đang chạy đua công nghệ và tiện nghi, Suzuki chọn một con đường khác – đi sâu vào những điều căn bản nhất của một chiếc xe: khung gầm. Đó là thời điểm nền tảng Heartect ra đời.

Heartect kết hợp của “Heart” (trái tim) và “Architecture” (kiến trúc) – trái tim kiến trúc bên trong mỗi chiếc xe Suzuki. Và giống như trái tim con người, không phải thứ khách hàng nhìn thấy đầu tiên, nhưng là thứ quyết định sự sống còn của cả hệ thống.

Trước khi Heartect xuất hiện, khung gầm Suzuki, như nhiều hãng xe khác, là một mạng lưới phức tạp của các thanh thép uốn cong và hàn nối. Hiệu quả, nhưng không tối ưu. Heartect đã viết lại toàn bộ cuốn sách về thiết kế khung gầm với triết lý đơn giản bất ngờ: “Hãy làm mọi thứ liền mạch”.

Không phải ngẫu nhiên người Nhật sở hữu khái niệm “Ma” – khoảng trống có chủ đích, hay “Wabi-sabi” – vẻ đẹp của sự không hoàn hảo. Heartect là hiện thân của triết lý thiết kế Nhật Bản: đơn giản, hiệu quả và có chủ đích. Thay vì sử dụng nhiều thanh thép nhỏ hàn nối, Heartect áp dụng nguyên lý “con đường ít đi” với các thanh thép liền mạch, uốn cong một cách khéo léo để tạo thành một khung gầm đơn khối. Nhìn từ dưới lên hay nhìn từ trên xuống, Heartect đều trông như một tác phẩm điêu khắc bằng sắt thép tối giản – những đường cong mềm mại, liền mạch thay vì góc cạnh gấp khúc.

Heartect 01

Kết quả của nghệ thuật đơn giản hóa này là hệ khung gầm nhẹ hơn tới 30% so với thế hệ trước, nhưng cứng vững hơn 10%. Đây là một nghịch lý kỹ thuật chỉ có thể giải thích bằng sự tinh tế trong thiết kế: bằng cách loại bỏ các điểm hàn – vốn là điểm yếu tiềm tàng, Heartect phân phối lực một cách đồng đều hơn qua toàn bộ khung xe. Trong thế giới ô tô, mỗi gram trọng lượng đều được tính toán, Heartect không phải công nghệ đột phá, nhưng là một trong những ý tưởng đổi mới hiệu quả.

Khi Heartect lần đầu ra mắt, đã có những hoài nghi về khả năng an toàn của một khung gầm nhẹ như vậy. Nhưng Suzuki đã chứng minh nhẹ không đồng nghĩa yếu. Heartect được thiết kế để hấp thụ và phân tán năng lượng va chạm hiệu quả. Trong trường hợp xảy ra va chạm, cấu trúc liền mạch của Heartect sẽ biến dạng theo cách có kiểm soát, hấp thụ lực va chạm và bảo vệ khoang hành khách.

Heartect lần đầu tiên được áp dụng trên các mẫu xe Suzuki vào năm 2014. Đến năm 2019, khi Suzuki phát triển XL7 – một bản nâng cấp của Ertiga với diện mạo SUV, Heartect được tinh chỉnh để phù hợp với yêu cầu mới. Heartect trên XL7 sử dụng thép cường độ cao cho hơn 40% kết cấu, tập trung vào những khu vực chịu lực quan trọng. 

Heartect không chỉ mang lại lợi ích về trọng lượng. Thiết kế liền mạch góp phần cải thiện tiếng ồn, độ rung; giảm tải cho động cơ; tăng cường an toàn va chạm. Mỗi hãng xe đều nỗ lực sở hữu ít nhất một từ khoá công nghệ, Heartech biết đâu là từ khoá cạnh tranh tiếp theo của Suzuki.

  • Suzuki: Heartech
  • Toyota: Hybrid
  • Honda: VTEC
  • Mazda: Skyactiv
  • Audi: Quattro
  • Mitsu: Dynamic Shield
  • Volkswagen: 4Motion

Mời đọc thêm

Thong thả lướt nhanh