Điểm danh các hãng xe Nhật: Suzuki, Mazda, Toyota, Nissan

Nhat 01 Thumbnail

Tháng 08/1945, hai quả bong bóng nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki đã reset lại hoàn toàn ngành ô tô Nhật, vốn đã tồn tại trước đó 40 năm. Đất nước bị tàn phá quá nặng, đã từng có lúc, chính phủ Nhật buông tay ngành ô tô, nhường chỗ cho Mỹ và Đức.

Nhưng không, tinh thần Nhật Bản trỗi dậy, khởi động một cuộc cách mạng mới. Đến tận năm 1960, chiếc ô tô đầu tiên do Nhật tự sản xuất mới xuất hiện trở lại. Năm đó, Mazda là người cầm cờ. Trong 20 năm tiếp theo, thập niên 80 là thời hoàng kim của xe Nhật trên toàn thế giới, khi Honda chinh phục thành công thị trường Mỹ với thương hiệu Acura năm 1986. Toyota, Nissan, Mitsubishi tiếp bước và mở rộng quy mô toàn cầu.

Đi sau Đức và Mỹ nửa thế kỷ trong ngành ô tô, nhưng ngày nay, các hãng xe Nhật đã tự chứng minh cho người tiêu dùng thấy chất lượng xe Nhật thuộc top đầu thế giới về tính bền bỉ và tiết kiệm nhiên liệu. Toyota độc chiếm vị trí số một về tổng lượng xe bán ra ở 44 quốc gia, khiến người ta không còn nhớ vị trí số hai là ai. Người Mỹ chuộng xe Nhật, nhưng người Nhật không chạy xe Mỹ. Lạ đời.

Suzuki: 1909

Lịch sử Suzuki bắt đầu từ năm 1909, khi Michio Suzuki thành lập xưởng sản xuất máy dệt Suzuki. Sau thế chiến thứ 2, công ty đổi tên thành Suzuki Motor. Không lẫy lừng như Toyota, không hùng cường như Honda, nhưng Suzuki đã tự tạo ra lối đi riêng bằng những dòng xe cỡ nhỏ. Kei-Car dòng xe siêu nhỏ, Suzuki là ông trùm thị trường nội địa Nhật Bản. Đâu thập niên 90 ở Việt Nam, Suzuki Vitara thống lĩnh phân khúc SUV gầm cao. Suzuki Jimny thế hệ đầu tiên được truyền cảm hứng từ Jeep, ra mắt năm 1970, trước G-Class tận 9 năm. Ở Ấn Độ, Suzuki là bá chủ doanh số trong hơn 40 năm liên tiếp, kể từ khi đặt nền móng vào đây năm 1982.

Mazda: 1920

Jujiro Matsuda thành lập Mazda năm 1920 tại Fuchu, ngoại ô Hiroshima. Năm 1931, Mazda-Go, mẫu xe 3 bánh gắn động cơ ra đời, nhưng không bao giờ được sản xuất do chiến tranh bùng nổ. Đến năm 1960, Kei-Car Mazda R360 Coupe là chiếc ô tô đầu tiên tại Nhật Bản thời hậu chiến do Mazda sản xuất. Năm 1989, tại triển lãm Chicago Auto Show, Mazda ra mắt mẫu xe mui trần Miata MX-5 (nay là Mazda MX-5). Đây là mẫu xe thể thao hai chỗ làm bùng nổ thị trường với giá bình dân, cũng là mẫu xe mui trần hai chỗ bán chạy nhất trong lịch sử. Thập niên 90 ở Việt Nam, cùng với Toyota Camry, không một doanh nhân chính hiệu nào không biết đến Mazda 626. Trong số những nhà sản xuất xe hơi Nhật, Mazda xếp vị trí thứ tư, sau Toyota, Nissan và Honda.

Nissan: 1933

Dù không phải là người sáng lập, nhưng Yoshisuke Aikawa đã có công khai phá thương hiệu Nissan từ năm 1933, sau khi ông tiếp nhận, sáp nhập và đổi tên Kwaishinsha Motor Car Works thành Nissan. Từ năm 1933 đến 1981, Nissan bán xe dưới thương hiệu Datsun, thị trường chủ yếu Bắc Mỹ và châu Âu. Sau khi khai tử Datsun, tên xe thương mại Nissan chính thức được sử dụng, song song với thương hiệu xe sang Infiniti được Nissan tạo ra vào năm 1989. Trải qua 90 năm phát triển sóng gió, Nissan sản xuất hơn 100 mẫu xe (chưa bao gồm xe tăng). Trung Quốc và Bắc Mỹ tiêu thụ 70% sản lượng. Những mẫu xe tiêu biểu bao gồm Nissan Fairlady (1969), Nissan X-Trail (2000), Nissan Navara (2005), xe điện Nissan Leaf (2010).

Isuzu: 1934

Năm 1934. Isuzu, tên của một dòng sông mơ mộng thuộc thị trấn cổ kính Ise (đọc là I-say) được Bộ Công Thương Nhật Bản đặt tên cho một mẫu xe tải, đến năm 1949, tên thương hiệu chính thức Isuzu Motors được chọn. Năm 1953, Isuzu hợp tác với hãng Rootes (Anh Quốc) giới thiệu chiếc xe du lịch đầu tiên Hillman Minx. Trong hơn 30 năm tiếp theo, Isuzu tập trung sản xuất xe tải, đến năm 1989 mới ra mắt mẫu xe ô tô Amigo ở Bắc Mỹ. Từ đó đến nay, Isuzu chỉ mạnh vô địch ở sản phẩm xe tải, xe cẩu, xe đầu kéo. Trong phân khúc xe ô tô, Isuzu D-Max một mình cân cả thế giới, là ông trùm của các ông trùm tại thiên đường bán tải Thái Lan.

Toyota: 1937

Xe máy mua Honda. Xe hơi chốt Toyota. Khỏi nghĩ. Không phải tự nhiên người Việt xuống tiền cho thương hiệu Toyota từ năm 1995 đến giờ. Mùa xuân năm 1933 tại phân xưởng sản xuất máy dệt, Kiichiro Toyoda và cộng sự mổ bụng một chiếc Chevrolet để nghiên cứu. Chỉ 4 năm sau, tức 1937, thương hiệu Toyota được thành lập, và bắt đầu thiết lập trật tự mới cho ngành ô tô thế giới trong gần 100 năm tiếp theo. Quản lý 2 nhãn hiệu xe bao gồm Toyota và Lexus, không có phân khúc nào Toyota không có mặt, và với mỗi phân khúc, Toyota luôn nằm trong top 3. Toyota Crown lẫy lừng dành cho quan chức thập niên 90. Camry tiếp nối hoàn hảo. Đến Vios, Innova, Fortuner, Land Cruiser. Được bảo chứng bởi Toyota phía trước, dường như mọi cái tên liền kề phía sau đều có sức mạnh tàng hình.

Mời đọc thêm

Thong thả lướt nhanh