Điệp khúc hoan ca của các hãng xe Trung Hoa Anh Hùng

Cac hang xe Trung Quoc

Như loài rồng được đánh thức, nền công nghiệp ô tô Trung Quốc đã trải qua cuộc hành trình kỳ diệu từ những bước đi chập chững của người học trò ngoan ngoãn đến vị thế của người thầy dẫn dắt. Câu chuyện về sự trỗi dậy không chỉ là bản hùng ca về công nghệ sản xuất, qua đó minh chứng cho ý chí kiên cường và tầm nhìn chiến lược của một quốc gia đang truyền cảm hứng cho thế giới này.

Những ngày đầu học hỏi: Thời kỳ liên doanh và bắt chước (1950-2000)

Khi ánh bình minh của kỷ nguyên công nghiệp ô tô soi chiếu bầu trời Trung Quốc, không ai có thể tưởng tượng đứa trẻ chập chững này sẽ trở thành người khổng lồ thống trị toàn cầu. Các hãng xe Trung Quốc bắt đầu hành trình của mình bằng việc mài giũa kỹ năng qua những liên doanh với đại gia phương Tây. FAW với những chiếc Jiefang cứng cáp, SAIC với dòng Santana bình dị, và Great Wall với những bản vẽ nghiên cứu tỉ mỉ – tất cả đều như những thửa ruộng khô cằn khát khao hấp thụ từng giọt mưa tri thức từ Toyota, Volkswagen hay GM. 

FAW – Đứa con đầu lòng của ô tô Trung Quốc

Mùa thu năm 1953, khi những chiếc lá đầu tiên rơi xuống mặt đất ở Trường Xuân, nhà máy sản xuất ô tô đầu tiên của Trung Quốc – First Automobile Works (FAW) – cũng bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên. Với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Liên Xô, FAW xuất xưởng chiếc xe tải Jiefang (Giải phóng) đầu tiên vào năm 1956, đánh dấu thời khắc khởi đầu của ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc.

Những năm 1980, khi cánh cửa cải cách mở rộng, FAW bắt tay Volkswagen Đức trong một liên doanh lịch sử. Nhà máy FAW-Volkswagen ở Trường Xuân trở thành biểu tượng cho chiến lược “thị trường đổi lấy công nghệ” của Trung Quốc. Những chiếc Audi 100, Volkswagen Jetta lăn bánh trên đường phố Trung Quốc như những sứ giả của thời đại, đồng thời cũng là những bài học thực tiễn vô giá cho các kỹ sư Trung Quốc.

SAIC – Cầu nối phương Đông và phương Tây

Ở phía nam, tại thành phố cảng sôi động Thượng Hải, Shanghai Automotive Industry Corporation (SAIC) cũng đang tiến hành cuộc hành trình tương tự. Năm 1984, SAIC và Volkswagen thành lập liên doanh đầu tiên, tạo nên làn sóng Santana càn quét thị trường. Một thập kỷ sau, SAIC mở rộng tầm nhìn với liên doanh General Motors, đưa thương hiệu Buick trở lại Trung Quốc – nơi hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh, Phổ Nghi, từng sở hữu chiếc Buick đầu tiên vào đầu thế kỷ 20.

Saic

Với mỗi liên doanh, từ quy trình kiểm soát chất lượng của Đức đến chiến lược tiếp thị của Mỹ, từ quản lý chuỗi cung ứng đến thiết kế sản phẩm – tất cả đều trở thành những mảnh ghép trong bức tranh lớn về khát vọng tự chủ.

Great Wall – Người khổng lồ bé nhỏ từ Bảo Định

Trong khi FAW và SAIC chọn con đường liên doanh, một cách tiếp cận khác đã xuất hiện ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc. Great Wall Motors, thành lập năm 1984, bắt đầu như một xưởng sửa chữa nhỏ trước khi chuyển sang sản xuất xe tải nhẹ. Không có đối tác nước ngoài hùng mạnh, Great Wall chọn con đường gian nan hơn: học hỏi thông qua nghiên cứu và thực nghiệm.

Đầu những năm 2000, khi thị trường SUV bùng nổ tại Trung Quốc, Great Wall nhanh chóng nắm bắt cơ hội với dòng Haval – một thương hiệu SUV nội địa đã trở thành biểu tượng cho sự kiên trì và thích nghi. Từ nghiên cứu mẫu Toyota RAV4 và Honda CR-V, Great Wall đã phát triển ngôn ngữ thiết kế riêng và dần dần xây dựng năng lực R&D độc lập.

Chặng đường đầu tiên này như một đứa trẻ học đi – vấp ngã, bắt chước, và dần dần tìm thấy phong cách riêng. Những chiếc xe Trung Quốc thời kỳ này vẫn mang đậm dấu ấn của người thầy Đức Mỹ và Nhật Bản, nhưng dưới bề mặt, những hạt giống đổi mới đã bắt đầu nảy mầm.

Sự thức tỉnh của những người khổng lồ: Geely và BYD (2000-nay)

Nửa thế kỷ đầu tiên là thời kỳ học việc, những năm 2000 trở đi là thời khắc loài rồng thức giấc. Như người thợ rèn đã tích lũy đủ kinh nghiệm để tạo ra thanh kiếm, Geely và BYD vươn vai, bứt phá khỏi cái bóng của các sư phụ phương Tây. Không còn là những chiếc xe “nhái” với chất lượng đáng ngờ, thế hệ ô tô Trung Quốc mới xuất hiện với phong cách thiết kế độc đáo, công nghệ tiên phong và tham vọng vượt xa biên giới quốc gia.

Chiến lược “học hỏi qua thâu tóm” táo bạo của Geely và cuộc cách mạng pin lithium của BYD không chỉ đưa họ trở thành những người dẫn đầu tại thị trường nội địa mà qua đó, xoay trục quyền lực trong ngành công nghiệp ô tô. Đây không còn là câu chuyện về việc bắt kịp; đây là câu chuyện về dẫn đầu với tốc độ khiến cả Detroit, Stuttgart, Tokyo, Seoul phải ngoái nhìn với ánh mắt kinh ngạc lẫn lo âu.

Geely – Cuộc săn tìm tri thức chấn động

Hành trình mang tên Geely bắt đầu từ một nơi không ai nghĩ đến – ngành công nghiệp tủ lạnh. Năm 1986, Li Shufu thành lập công ty sản xuất linh kiện tủ lạnh với số vốn ban đầu 800 USD. Mười năm sau, với tầm nhìn vượt thời đại, Lý quyết định chuyển hướng sản xuất ô tô – một ngành công nghiệp bị chi phối bởi các tập đoàn nhà nước và liên doanh nước ngoài.

Năm 1998, chiếc ô tô đầu tiên của Geely ra đời – đơn giản, động cơ ồn ào, không có gì hoàn hảo, nhưng mang tính biểu tượng cho tinh thần “có thể làm được” của Trung Quốc. Video bên dưới là câu chuyện của Nhà điêu khắc đất sét Mat Nicolson. Các mô hình đất sét tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thiết kế ô tô giai đoạn đầu. Đây thực sự là lần đầu tiên ý tưởng của nhà thiết kế xuất hiện dưới dạng vật lý. Những tác phẩm điêu khắc bằng đất sét sẽ liên tục được chỉnh sửa bằng tay cho đến khi nhóm thiết kế hài lòng, tạo ra góc nhìn ba chiều hữu hình về diện mạo cuối cùng của chiếc ô tô trước khi sản xuất hàng loạt.

Bước ngoặt đến vào năm 2010 khi Geely gây chấn động toàn cầu bằng việc mua Volvo Cars từ Ford. Thương vụ nằm ngoài giá trị mua bán thông thường, trở thành cuộc “săn tìm tri thức”. Volvo mang đến cho Geely không chỉ thương hiệu Thuỵ Điển cao cấp mà cả kho tàng công nghệ an toàn, quy trình phát triển sản phẩm, bộ phận kỹ sư chất lượng cao và mạng lưới quan hệ toàn cầu.

Sau Volvo, Geely tiếp tục mở rộng đế chế với cổ phần trong Daimler (Mercedes-Benz), thành lập thương hiệu xe điện cao cấp Polestar, mua Lotus và London Electric Vehicle Company (nhà sản xuất taxi London), mua Proton Malaysia. Chiến lược “học hỏi thông qua sở hữu” của Geely đã đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghệ, từ hàng thập kỷ xuống còn vài năm.

Nền tảng CMA (Compact Modular Architecture) phát triển chung với Volvo đã sinh ra những mẫu xe thành công như Volvo XC40 và các dòng sản phẩm Lynk & Co 01, 06, 09. Dòng sản phẩm thấp hơn, Geely Coolray chỉ hơn 500 triệu đang bán tại Việt Nam được địa phương hoá cho từng thị trường châu Á với điểm xuất phát từ nhà máy Proton Malaysia. Trong khi đó, Zeekr là dòng MPV hạng sang, nếu về Việt Nam, biết đâu sẽ trở thành đối trọng hoàn hảo cho Toyota Alphard.

BYD – Đã mơ, hãy mơ một giấc hoang đường

Nếu Geely là câu chuyện về sức mạnh mua lại, BYD minh chứng cho sức mạnh của sự kiên nhẫn và chuyên môn sâu. Thành lập năm 1995 bởi Wang Chuanfu, thương hiệu BYD (Build Your Dreams) ban đầu chỉ là nhà sản xuất pin điện thoại di động. Với nền tảng vững chắc về công nghệ pin lithium-ion, Wang nhìn thấy tương lai của ô tô điện từ rất sớm.

Năm 2003, BYD bước vào lĩnh vực ô tô bằng việc mua lại nhà máy Tsinchuan Automobile. Khác với đối thủ, BYD không chạy theo trào lưu SUV hay sedan hạng sang mà tập trung phân khúc giá rẻ với những mẫu xe như F3 – một chiếc sedan compact giá dưới 10.000 USD. Đây là chiến lược “xây từ dưới lên” cho phép BYD tích lũy kinh nghiệm sản xuất trong khi vẫn đảm bảo dòng tiền. Khi thời điểm chín muồi, BYD sản xuất siêu xe điện cũng không có gì ngạc nhiên.

Byd yang9

Nhưng điểm mạnh thực sự của BYD nằm ở công nghệ pin. Năm 2008, BYD giới thiệu F3DM – xe hybrid plug-in đầu tiên trên thế giới được sản xuất hàng loạt. Thiên tài chốt deal Warren Buffett ngay lập tức nhìn thấy tiềm năng, xuống tiền đầu tư 230 triệu USD vào BYD cùng năm đó, một khoản đầu tư đã tăng giá trị gấp nhiều lần.

Bước đột phá lớn đến vào năm 2020 khi BYD giới thiệu nền tảng pin Blade. Tiếp theo là hệ thống DM-i hybrid và kiến trúc e-Platform 3.0 đang ứng dụng cho các mẫu xe Sealion 6 PHEV và Sealion 8 thuần điện, chứng minh chiến lược làm chủ công nghệ của BYD.

Hành trình phía trước: Vượt qua Vạn Lý Trường Thành

Như một khinh khí cầu rực rỡ bứt mình khỏi mặt đất, các hãng xe Trung Quốc đã thoát khỏi xiềng xích của quá khứ để tự vẽ vận mệnh của mình trên bầu trời thế giới. Những cái tên như BYD, Geely, Omoda, SAIC… giờ đây đang trở thành những đại sứ công nghệ, đưa triết lý phương Đông về di chuyển hiện đại bay vút qua 6 lục địa. Chúng ta đang chứng kiến một cuộc dịch chuyển quyền lực chưa từng có trong nền công nghiệp ô tô toàn cầu.

Những thành tựu này không đến ngẫu nhiên như đợt xổ số Vietlott may rủi mà là kết quả tất nhiên từ chiến lược quốc gia – định lại tên gọi Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ di chuyển. Các nhà máy ở Thâm Quyến, Thượng Hải và Hợp Phì giờ đây như những ngọn hải đăng đổi mới – nơi pin thể rắn, công nghệ xe tự lái và thiết kế “Living Room on Wheels” không còn là khái niệm viễn tưởng mà đang trở thành hiện thực chạm tay. CATL không còn là cái tên xa lạ mà là trái tim cung cấp nhịp đập cho Tesla, BMW và Mercedes.

Khi những chiếc xe mang hơi thở Trung Hoa len lỏi vào garage gia đình từ Milan đến Melbourne, từ São Paulo đến Seattle, từ Bangkok đến Sài Gòn – Hà Nội, chúng vừa lăn bánh, vừa đại diện cho sự trỗi dậy về yếu tố văn hóa và tầm nhìn công nghệ của nền văn minh 5,000 năm tuổi. Những đường nét thiết kế uyển chuyển lấy cảm hứng từ thư pháp Trung Hoa, giao diện người dùng theo triết lý âm-dương, âm thanh động cơ điện êm ái như tiếng tơ đàn guzheng đang kể câu chuyện mới về bản sắc, bản lĩnh Trung Hoa Anh Hùng.

Byd lynkco mg thumb

Cuộc hành trình mang đến cảm hứng bất tận của các hãng xe Trung Quốc minh chứng cho khả năng vô hạn của con người khi được tiếp cận tri thức, thúc đẩy bởi tham vọng, và tự do mơ tưởng về một tương lai khác biệt. Từ xưởng sản xuất giản đơn ở Trường Xuân cách đây bảy thập kỷ đến các showroom sang trọng trên đại lộ Champs-Élysées, khinh khí cầu Trung Hoa đã bay cao và rất xa, mang thông điệp “Imagined in China, Created for the World” – một điệp khúc hoan ca vang vọng khắp bốn phương trời.

Mời đọc thêm

Thong thả lướt nhanh