Trong vòng quay chuyển động không ngừng của phân khúc MPV tại Việt Nam từ thập niên 90, có người đến, nhiều người đi, và hiếm người ở lại. Hai mẫu xe ra đi để lại nhiều nỗi nhớ nhất, có lẽ nên gọi tên Mazda Premacy và Mitsubishi Grandis.
Hành trình phân khúc MPV tại Việt Nam từ thời Zace màu vỏ dưa
Toyota Zace xuất hiện vào cuối những năm 90, như lữ khách đầu tiên đặt chân lên vùng đất chưa khai phá. Thiết kế vuông vức, đơn giản chắc chắn, Zace đã định nghĩa thành công thế nào là một chiếc MPV gia đình trong mơ của người Việt.
Mười năm sau, kế thừa di sản của người tiền nhiệm, Innova ra mắt vào năm 2006 và thành công ngay lập tức, từng bước thống trị thị trường suốt mười hai năm, trước khi Xpander xuất hiện.
Năm 2018, Xpander xuất hiện âm thầm như cơn lốc, mặc dù sức kéo không quá mạnh nhưng vẫn đủ đẩy Innova lui về showroom. Thiết kế Dynamic Shield đầy cá tính, động cơ 1.5L MIVEC êm ái, không gian cabin tối ưu – tất cả tạo nên một Xpander đẹp mắt, đắt hàng, đặc biệt giá “mềm” bất ngờ, dưới 600 triệu. Thành công của Xpander không phải bán nhiều xe nhất, mà tạo được cộng đồng Xpander hoạt động sôi nổi tương tự Ford Ranger. Bất kỳ mẫu xe nào có được cộng đồng, xác suất khai tử gần như zero.
Và giờ đây, MG hãng xe Trung Quốc – tạm gọi là thành công nhất Việt Nam – giới thiệu G50 tham gia cuộc chiến MPV dưới góc độ của người đến sau, bằng chiến lược giá quen thuộc.
Bản 1.5 MT số sàn 6 cấp: 559 triệu
Bản 1.5T AT số DCT 7 cấp: 749 triệu
- Kiểu dáng MPV, cấu hình tuỳ chọn 7/8 chỗ
- Kích thước tổng 4.825 x 1.825 x 1.778 mm
- Chiều dài cơ sở 2.800 mm, sáng gầm 135 mm
- Động cơ 1.5 turbo, công suất 169 mã lực
- Dẫn động cầu trước, tay lái trợ lực điện
- Phanh tay điện tử, cần số sau vô lăng
- Treo trước MacPherson, treo sau dầm xoắn
- Đèn pha Halogen, bản cao nhất đèn pha LED
- Chưa trang bị cửa lùa cho cả 3 phiên bản
Theo chân Vlog Xe dạo 2 vòng bên ngoài và bên trong G50 xem thử có gì nhé.
Không gian MG G50 – Trải nghiệm “first class” trong tầm giá economy
G50 chính là định nghĩa của sự rộng rãi trong phân khúc MPV tầm trung. Với chiều dài cơ sở ấn tượng 2m8 (hơn Innova Cross một xíu xiu, thua Hyundai Custin không đáng kể) G50 mang đến cảm giác của một cabin hạng thương gia, chỉ có điều thương nhân ngồi hàng ghế hai sẽ hơi bó gối nếu chân dài. Hàng ghế hai với chức năng trượt và ngả (không quá sâu) trong khi hàng ghế thứ ba – thường là “điểm yếu” của nhiều mẫu MPV – lại có độ rộng ngạc nhiên với khoảng để chân không bị hy sinh.
Với mức giá khởi điểm 559 triệu cho bản thấp nhất (số sàn) G50 tạo ra phương trình giá trị đầy thuyết phục trong phân khúc MPV. Nếu quy đổi theo tỷ lệ “số tiền/không gian sử dụng“, G50 chắc chắn là một trong những lựa chọn sáng giá nhất thị trường lúc này.
Động cơ 1.5L tăng áp, công suất 169 mã lực, mô-men xoắn 285 Nm – những con số đủ đạp nhè nhẹ trên đường trường và cao tốc cho một chiếc MPV cỡ trung có trọng lượng hơn 1.500 kg.
Sandro Reyes (Philippines): Xét về kích thước và so với 2 đối thủ Innova hay Custin – G50 có kích cỡ ngang ngửa, thậm chí vượt trội khi trạng bị ghế chủ tịch. Động cơ 1.5L tăng áp, 169 mã lực và 275 Nm mô-men xoắn – rất ổn cho kích cỡ và trọng lượng xe. G50 lại còn có hộp số sàn gặt gặt, nhiều anh tài già sẽ khoái lắm luôn. Điều hơi lạ là cần số không nằm ở giữa, mà nằm phía sau vô-lăng – tôi đã nhầm nó với cần gạt mưa khi test drive. Nhưng đổi lại, bạn có thêm rất nhiều không gian ở giữa. Có cả khoang để đồ rất sâu dưới bệ điều khiển trung tâm.
Một vài điểm chưa ưng: không có camera 360 – hơi tiếc với một chiếc xe cỡ này. Và chỉ có cruise control thường, không phải loại thích ứng (adaptive). Cầm lái G50 đi đèo dốc quanh co khi xe chở đầy hành khách và hành lý, sức kéo hơi đuối. Khung gầm chắc chắn, nhưng ôm cua nhanh có cảm giác chao chao. Cách âm trong phố ổn, lên cao tốc đạp 100km/h, tiếng gió bắt đầu thổi vào bên trong. G50 đã tính trước bước này nên trang bị hệ thống âm thanh 6 loa, bật nhạc lên là chill chill hết quãng đường.
Có lẽ, chúng ta nên xem hết clip Xe Hay đánh giá MG G50 để có cái nhìn toàn diện hơn, vì dù sao, Reyes cũng là người Philippines.
Động cơ 1.5 tăng áp – Công thức chung của nhiều mẫu xe Trung Quốc
Khi nhìn vào làn sóng xe Trung Quốc đang dần chinh phục thị trường toàn cầu, không khó để nhận ra một “công thức kỳ diệu” xuất hiện với tần suất kinh ngạc: động cơ 1.5L tăng áp. MG, Geely, Omoda… dường như đã tìm thấy điểm phong thuỷ hoàn hảo trong khối động cơ này. Đây không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên, mà kết quả của hành trình tìm kiếm điểm cân bằng giữa hiệu suất, chi phí và quy định.
I. “Điểm ngọt” giữa quy định khí thải và thuế
Tại nhiều quốc gia, cấu trúc thuế được tính theo ngưỡng dung tích xy-lanh, với ranh giới quan trọng tại mốc 1.5L. Dung tích 1.5L như đường đỏ quyết định – cao hơn một chút, chi phí sản xuất và giá bán tăng vọt; thấp hơn, hiệu suất có thể không đáp ứng kỳ vọng của các tay lái.
Khi đặt công nghệ tăng áp chính xác tại ngưỡng 1.5L, các nhà sản xuất Trung Quốc đã tạo ra “phép thuật”: một động cơ vừa né khéo léo ngưỡng thuế cao, vừa mang hiệu suất tương đương động cơ 2.0L hút khí tự nhiên.
Không chỉ vậy, tiêu chuẩn khí thải đã tạo ra áp lực khổng lồ, buộc các nhà sản xuất phải tìm kiếm giải pháp cân bằng giữa hiệu suất và mức phát thải. Động cơ 1.5 tăng áp với tỷ lệ nén tối ưu và hệ thống phun xăng trực tiếp, trở thành lựa chọn lý tưởng để vượt qua “bài kiểm tra” này một cách an toàn. Đây không đơn thuần là tuân thủ – mà là nghệ thuật chơi đùa với ranh giới, tìm kiếm điểm cân bằng giữa quy định và hiệu suất.
II. Tối ưu hóa chi phí trong quy mô sản xuất
Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, luôn hiểu rõ sức mạnh của “quy mô kinh tế” – nguyên tắc Henry Ford đã khai phá cách đây một thế kỷ. Khi xây dựng “nền tảng động cơ” thống nhất, các nhà sản xuất không đơn thuần giảm chi phí – họ xây dựng một hệ sinh thái sản xuất hoàn chỉnh.
Một động cơ 1.5 tăng áp có thể được tinh chỉnh để tạo ra nhiều mức công suất khác nhau – từ 150 mã lực trong những mẫu sedan đô thị đến hơn 200 mã lực cho SUV cỡ trung – chỉ bằng cách điều chỉnh phần mềm điều khiển và áp suất tăng áp. Điều này cho phép một thiết kế động cơ được khai thác tối đa, từ hatchback cỡ nhỏ, Crossover 5 chỗ đến MPV 7/8 chỗ như G50.

Cùng dây chuyền sản xuất có thể chế tạo hàng triệu động cơ với thiết kế tương tự, chi phí trên mỗi đơn vị giảm đáng kể. Từ nhà cung cấp phụ tùng đến quy trình lắp ráp, đào tạo kỹ thuật viên đến chuỗi cung ứng phụ tùng thay thế – tất cả đều trở nên đơn giản và hiệu quả. Các hãng xe Trung Quốc đã biến động cơ 1.5 tăng áp thành “chuẩn mực ngành”.
III. Sự cân bằng giữa công nghệ và trải nghiệm
Ai cũng biết, một chiếc xe không nên đánh giá qua những thông số trên giấy tờ, mà bằng cảm giác sau vô lăng. Động cơ 1.5 tăng áp, với đặc tính mô-men xoắn dồi dào ở vòng tua thấp, tạo ra trải nghiệm lái đủ lanh lẹ trong khi vẫn đảm bảo tính thực dụng hàng ngày.
Khối động cơ này cung cấp mô-men xoắn tối đa từ khoảng 1.500 vòng/phút – đồng nghĩa lực đẩy mạnh ngay khi đạp chân ga, tạo cảm giác xe “bốc” và phản hồi tức thì trong điều kiện giao thông đô thị. Hơn nữa, kích thước nhỏ gọn của động cơ 1.5L cho phép kỹ sư thiết kế khoang động cơ tối ưu hơn, cải thiện phân bố trọng lượng.
Nhưng nói gì nói, hai tiếng “turbo” được đính kèm phía sau động cơ 1.5L chỉ là gia vị bổ sung, cho dù xe Trung, xe Hàn, hay xe Nhật. Để trải nghiệm “turbo đúng turbo”, bạn nên tìm đến con số 2.0L trở lên như Honda Civic Type R; hoặc nếu thuộc nhóm máu pha xăng, không căng thẳng tài chính, ngồi thử Porsche 718 Boxster cũng 2.0L tăng áp, 300 mã lực, 380 Nm mô-men xoắn, bạn sẽ thấy con đường phía trước khác liền: đẹp lên rất nhiều, hàng cây cũng hấp háy cười, chứ đừng nói cô gái ngồi bên.